Thứ ba, 11.10.2016 GMT+7

Giới thiệu cuốn sách: “HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2013 VÀ THÀNH TỰU LẬP PHÁP TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIII”

Hiến pháp là Luật cơ bản của Nhà nước có hiệu lực pháp lý cao nhất. Với tính chất này, Hiến pháp điều chỉnh những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiến pháp là văn bản thể hiện tập trung ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thông qua Hiến pháp, Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước thực hiện quyền lực nhân dân.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 là một mốc son trong lịch sử lập hiến của nước nhà, ghi đậm dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Để góp phần làm rõ hơn tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013, kết quả bước đầu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, những định hướng cơ bản  cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, hoạt động lập quy của Chính phủ cuốn sách “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”

Cuốn sách gồm Lời giới thiệu của Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, Lời nói đầu, 7 Chương và phần Phụ lục.

Chương I: Đề cập bối cảnh ra đời, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cốt lõi của Hiến pháp năm 2013. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 ra đời trong bối cảnh đời sống kinh tế, chính trị - văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều thay đổi. Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế trong nhiều năm liền, vị thế của nước Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra yêu cầu cần đổi mới thể chế kinh tế một cách căn bản và toàn diện, hoàn thiện thể chế chính trị đảm bảo cho nước ta phát triển bền vững trong giai đoạn mới. yêu cầu này đã đặt ra nhu cầu sửa Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001.

Cuốn sách cũng tập trung phân tích 6 quan điểm xây dựng Hiến pháp năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và kế thừa, phát huy những giá trị cốt lõi của các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980,1992. Cuốn sách khẳng định giá trị mới của Hiến pháp năm 2013 thể hiện ở 5 khía cạnh. Trong đó, nổi bật nhất là Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa sâu sắc tư tưởng phát huy dân chủ, chủ quyền nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và đề cao giá trị cao quý, tôn trọng bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền nhân dân.

Chương II: Đề cập chế độ chính trị. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới về mặt lý luận và thực tiễn về chế độ chính trị ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện nhất quán quan điểm đề cao nguyên tắc: “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”; “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Chương III: Đề cập quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cuốn sách nêu bật những thành tựu của Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ  bản của công dân. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 đã làm sâu sắc hơn các nội dung, quan điểm về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng cộng sản Việt Nam; khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người phù hợp với những thành tựu của quá trình hơn 25 năm đổi mới, phù hợp với các công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, xử lý hài hòa mối tương quan giữa quyền con người và quyền công dân, giữa quyền công dân và nghĩa vụ  của công dân trong Hiến pháp: khẳng định mối quan hệ giữa quyền con người, quyền công dân và chủ quyền quốc gia.

Chương IV: Đề cập vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ và môi trường. Cuốn sách đề cao giá trị to lớn của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm công bằng xã hội; phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; xây dựng và phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chương V: Đề cập vấn đề bảo vệ Tổ quốc. Cuốn sách khẳng định, thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, kế thừa và phát huy các giá trị của các Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân; nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước là tăng cường và củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ  hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Chương VI: Đề cập bộ máy nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như Hiến pháp của các nước trên thế giới, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là vấn đề trọng tâm của Hiến pháp năm 2013. Cuốn sách tập trung làm rõ thành tựu của Hiến pháp năm 2013 trong việc xác lập nền tảng pháp lý cơ bản cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp bằng các văn bản luật quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Chương VII: Đề cập công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cuốn sách khẳng định, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, việc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và được các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai kịp thời. Việc tổ chức thi hành Hiến pháp cũng được phát động trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân.

Cuốn sách được hình thành trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội  khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, không chỉ nhằm giới thiệu nội dung và những giá trị cốt lõi của Hiến pháp năm 2013 mà còn được dùng làm tài liệu tham khảo, tuyên truyền giảng dạy và áp dụng trong thực tế, bới nó chứa đựng những quan điểm, ý kiến chính thức thể hiện trong các văn kiện Đảng, văn kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII của các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Từng chương của cuốn sách tập trung phân tích những nội dung đã được kế thừa và phát triển trong Hiến pháp năm 2013(nhất là những nội dung mới phát triển); kết quả xây dựng Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm triển khai thi hành Hiến pháp về các nội dung liên quan; những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gioi-thieu-cuon-sach-hien-phap-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-nam-2013-va-thanh-tuu-lap-phap-trong-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xiii
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com