Thứ ba, 23.08.2016 GMT+7

NỘI DUNG HƯỚNG DẪN VIỆC SOẠN GIÁO ÁN GIẤY VÀ GIÁO ÁN THỰC GIẢNG CÁC BÀI GIẢNG THAM GIA HỘI THI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GIỎI CẤP HUYỆN VÀ CẤP TỈNH NĂM 2016

Thực hiện Kế hoạch số 09-KH/BTGTU, về tổ chức “Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ 2, năm 2016” và hướng dẫn số 08-HD/BTG, ngày 9/5/2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về Hướng dẫn tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp huyện năm 2016. Đến thời điểm hiện nay tất cả các huyện, thành, thị ủy và các Đảng Bộ trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Hội thi tại cấp huyện, để lựa chọn giảng viên tham gia Hội thi cấp tỉnh.

Để phục vụ cho các thí sinh dự thi nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức việc soạn giáo án bài giảng, thực hiện đúng mẫu quy định, Ban chỉ đạo Hội thi giảng viên  lý luận chính trị giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ 2 đã cụ thể hóa hướng dẫn việc soạn giáo án giấy và giáo án thực giảng trong 25 phút như sau:

A. HƯỚNG DẪN SOẠN GIÁO ÁN GIẤY

I. VỀ HÌNH THỨC

1. Những quy định chung

- Bài soạn được đóng thành một quyển, có bìa cứng.

- Bài soạn được đánh máy bằng máy vi tính, trình bày một mặt trên khổ giấy A4. Phông chữ Times New Roman; Cỡ chữ: 14; giãn dòng 1,5; lề trên 2,0 cm; lề dưới 2,0cm; lề trái 3,0 cm; lề phải 2,0 cm; các trang được đánh theo số thứ tự của trang.

2. Cách thức trình bày

a. Trang đầu(trang bìa):

- Phần trên cùng ghi tên đơn vị: Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, thị xã... (chữ in, cỡ chữ 15)

- Phần giữa: Ghi tên GIÁO ÁN (chữ in hoa, to, đậm, cỡ chữ 30) và tên bài soạn (chữ in to, đậm, cỡ chữ 15 ).

- Phần dưới cùng: ghi họ tên, chức vụ của giảng viên soạn bài (tên riêng viết chữ thường, in đậm, cỡ chữ 15), chức vụ, đơn vị công tác (chữ thường, in đậm,, cỡ chữ 15).

b. Các trang tiếp theo

Trình bày nội dung bài soạn. Các tiêu đề trình bày như sau:

- Tên bài soạn: Viết chữ in hoa, to, đậm, cỡ chữ 15.

- Ghi đầy đủ các nội dung thông tin (người soạn; đối tượng giảng; số tiết lên lớp; thời gian soạn, chữ in, cỡ chữ 14).

- Mục đích, yêu cầu; nội dung; phương pháp; tài liệu tham khảo; tiến trình bài giảng (chữ in, cỡ chữ 14).

- Các mục trong tiến trình bài giảng như: ổn định tổ chức; kiểm tra; bài mới (chữ thường, đậm, cỡ chữ 14).

c. Trang cuốicủa bài soạn ghi các mục:

- Củng cố, hướng dẫn ôn tập (chữ thường, in đậm, cỡ chữ 14).

- Rút kinh nghiệm bổ sung (chữ in, cỡ chữ 14)

- Ngày tháng năm (chữ thường, nghiêng); ký duyệt giáo án (chữ in).

*Chú ý:

- Trong giáo án để phân biệt nội dung trọng tâm, trọng điểm, phần học viên cần nắm, cần ghi chép với nội dung giảng viên phân tích, có thể sử dụng các kiểu chữ khác nhau (chữ đứng, chữ nghiêng...) hoặc trong 1 trang có thể chia làm 2 phần to, nhỏ. Phần to ghi nội dung chính, phần nhỏ ghi ví dụ, các ý phân tích.

- Trong các trang bài soạn, nếu có những đoạn trích từ các tài liệu, dòng cuối của trang đó ghi tên tài liệu, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang trích đoạn đó.

II. VỀ NỘI DUNG: Giáo án trình bày thứ tự như sau:

1. Tiêu đề (Tên bài soạn; Người soạn; Đối tượng giảng; Số tiết lên lớp; Thời gian soạn).

2. Mục đích, yêu cầu: Trình bày mục đích và yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, tư tưởng và hành động của học viên cần phải đạt được của bài giảng.

3. Nội dung: Trình bày kết cấu bài gồm mấy phần (mục)? Trọng tâm, trọng điểm bài? Dự kiến thời gian (số tiết) từng phần.

4. Phương pháp

- Trong trình bày bài giảng hiện nay có nhiều phương pháp: phương pháp  thuyết trình, vấn đáp, nêu vấn đề; phương pháp hoạt động nhóm, cùng tham gia...

- Trong 1 bài giảng, giảng viên có thể sử dụng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp.  Giảng viên chọn phương pháp nào tuỳ thuộc nội dung bài giảng và đối tượng người học.

5. Tài liệu tham khảo: Nêu tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu của cả giảng viên và học viên.  Ghi rõ: tên tài liệu, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản.

6. Tiến trình bài giảng

a.Ổn định tổ chức: thời gian 2-3 phút.

b.Kiểm tra bài cũ:Kiểm tra nhận thức của học viên về bài cũ hoặc việc chuẩn bị cho bài mới. Có thể kiểm tra trước khi bước vào bài mới hoặc trong quá trình giảng bài mới, để đánh giá ý thức học tập và kết quả nhận thức của học viên.

c.Bài mới: Đây là phần quan trọng nhất của bài soạn, có quan hệ trực tiếp tới chất lượng bài giảng.

- Trong nội dung bài soạn cần làm rõ trọng tâm, trọng điểm từng phần và toàn bài, những nội dung kiến thức cơ bản yêu cầu người học cần phải nắm vững.

- Nội dung bài soạn phải đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu và tính thực tiễn: bám sát tài liệu hướng dẫn; đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; phù hợp với đối tượng nghe giảng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung kiến thức với liên hệ thức tiễn của địa phương, đất nước; phê phán những quan điểm lệch lạc, sai trái.

- Nội dung bài soạn phải thể hiện được phương pháp chủ yếu của người dạy. Sau mỗi phần (mục) có tiểu kết, khắc sâu được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ quan điểm đúng, sai, hướng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

d. Củng cố bài: Trong giảng dạy, giảng viên có thể sử dụng nhiều phương pháp để củng cố bài học như: Tóm tắt nội dung chính; nêu câu hỏi để học viên trả lời theo nội dung bài giảng hoặc vận dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Vận dụng phương pháp nào thì ghi vào bài soạn nội dung phương pháp ấy. (Thời gian củng cố kiến thức sau bài giảng từ 5-7 phút).

e. Hướng dẫn ôn tập: Thể hiện nhiệm vụ người học cần thực hiện sau bài giảng. Nội dung có thể là câu hỏi để ôn tập hoặc những gợi ý để học viên vận dụng, liên hệ với thực tiễn công tác.

7. Rút kinh nghiệm, bổ sung:

- Sau mỗi lần giảng, giảng viên ghi những kinh nghiệm rút ra sau bài giảng.

- Ghi những thay đổi về phương pháp, thêm bớt nội dung. Đặc biệt chú ý bổ sung các tài liệu tham khảo, các tư liệu, kiến thức mới mang tính thời sự, cập nhật mà giảng viên muốn đưa vào bài giảng.

B. HƯỚNG DẪN SOẠN GIÁO ÁN THỰC GIẢNG 25  PHÚT TRÊN LỚP

- Thời gian thi: 25 phút.

- Cách thức thi: Thí sinh phải thi thuyết trình theo nội dung bài giáo án đăng ký dự thi đã được Ban Giám khảo thẩm định và thực hiện đầy đủ các bước lên lớp theo quy định:

    + Giới thiệu bản thân.

+ Giới thiệu tên bài giảng, đối tượng giảng.

+ Mục đích yêu cầu, phương pháp giảng dạy, tài liệu tham khảo.

+ Thuyết trình nội dung bài giảng,

+ Tiểu kết phần giảng, câu hỏi ôn tập, tài liệu tham khảo.

 - Thí sinh tự chọn các phương pháp thuyết trình phù hợp với nội dung bài giảng.

 - Nội dung thi phải là nội dung được thể hiện trong giáo án đã được đăng ký với Ban tổ chức Hội thi.

 - Ban Giám khảo ưu tiên chấm điểm trong thang điểm thi phần thuyết trình đối với những thí sinh thoát ly giáo án viết; ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quá trình thi; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp lên lớp.

- Thí sinh bị trừ điểm nếu thi quá thời gian quy định (sớm 10 phút hoặc muộn 5 phút trở lên).

Tất cả mọi thông tin liên quan đến Hội thi sẽ được Ban Tổ chức đăng tải trên Website Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=noi-dung-huong-dan-viec-soan-giao-an-giay-va-giao-an-thuc-giang-cac-bai-giang-tham-gia-hoi-thi-giang-vien-ly-luan-chinh-tri-gioi-cap-huyen-va-cap-tinh-nam-2016
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com