Thứ ba, 17.05.2016 GMT+7

MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ CÔNG NGHIỆP HÓA VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA VIỆT NAM

Lịch sử công nghiệp hóa thế giới đã trải qua hàng trăm năm. Vào giữa thế kỷ XVIII, một số nước phương Tây, mở đầu là nước Anh, đã tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp với nội dung chủ yếu là chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí. Đây là sự khởi đầu cho tiến trình công nghiệp hóa của thế giới. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XIX, khái niệm công nghiệp hóa mới được dùng để thay thế cho khái niệm cách mạng công nghiệp được sử dụng trước đó.

Đến nay, có một số nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, nhưng còn nhiều nước khác thì công nghiệp hóa vẫn đang được tiến hành với những khoảng thời gian và mức độ khác nhau, vì vậy, cách hiểu về công nghiệp hóa cũng có sự khác nhau.

Xuất phát từ thực tiễn công nghiệp hóa ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, các học giả phương Tây quan niệm: Công nghiệp hóa là việc đưa các đặc tính công nghiệp cho một hoạt động, mà thực chất là trang bị các nhà máy cho một vùng, hay một nước... Trong quan niệm này, họ đã đồng nhất công nghiệp hóa với quá trình phát triển công nghiệp. Họ coi đối tượng của công nghiệp hóa chỉ là ngành công nghiệp, còn sự phát triển của nông nghiệp và các ngành khác được coi là đối tượng trực tiếp của công nghiệp hóa. Tuy nhiên, quan điểm này không thấy được mục tiêu, điểm dừng và tính lịch sử của quá trình công nghiệp hóa.

Một thời gian dài ở các nước xã hội chủ nghĩa có những sự giải thích khác nhau về phạm trù công nghiệp hóa. Song trên thực tế đều thống nhất với quan điểm của các nhà kinh tế Liên Xô trước đây: Công nghiệp hóa là quá trình biến một nước nông nghiệp thành công nghiệp bằng cách phát triển công nghiệp nhanh hơn nông nghiệp và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng, là quá trình xây dựng nền đại công nghiệp cơ khí. Quan niệm này xuất phát từ thực tiễn Liên Xô khi bắt tay vào công nghiệp hóa là một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, bị đế quốc bao vây và không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đường lối công nghiệp hóa này của Liên Xô đã đạt được những thành tựu nhất định và từng được coi là kỳ tích của chủ nghĩa xã hội.

Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đưa ra quan niệm: Công nghiệp hóa là một quá trình phát triển kinh tế, trong quá trình này một bộ phận ngày càng tăng các nguồn của cải quốc dân được động viên phát triển một cơ cấu kinh tế nhiều ngành với kỹ thuật hiện đại. Quan niệm này coi công nghiệp hóa là quá trình bao trùm toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hộivàphù hợp với các nước phát triển nơi có điều kiện ứng dụng các thành tựu hiện đại của khoa học – kỹ thuật.

Trên cơ sở các quan niệm đó, có thể khái quát lại như sau: “Công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp), từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp lên văn minh công nghiệp”. Có thể thấy, công nghiệp hóa là sự biến đổi về kinh tế và xã hội, là quá trình đưa nền kinh tế lên xã hội công nghiệp với trình độ văn minh cao hơn.

Tại Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (1960) xác định: Công nghiệp hóa là quá trình thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện sự phân công mới về lao động xã hội và là quá trình tích lũy xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng. Quan niệm này thể hiện rõ nội dung toàn diện, mục tiêu, tính lịch sử của quá trình công nghiệp hóa; và nó được coi là quan niệm chính thống về công nghiệp hóa vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, quan niệm này dường như đồng nhất công nghiệp hóa với cách mạng kỹ thuật.

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, với bước chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường, quan niệm công nghiệp hóa – kế hoạch hóa tập trung cũng được thay thế bằng quan niệm công nghiệp hóa – theo cơ chế thị trường. Công nghiệp hóa gắn với sự đổi mới kinh tế của Việt Nam được quan niệm là: Công nghiệp hóa là quá trình cải biến toàn diện nền kinh tế. Một mặt, đây là quá trình thay thế các phương thức sản xuất dựa vào kỹ thuật thủ công sang kỹ thuật cơ khí; mặt khác, đây là quá trình cải biến các phương thức sản xuất tiền tư bản thành phương thức sản xuất dựa trên nguyên tắc thị trường.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đã làm thay đổi trình tự tiến hành công nghiệp hóa của các nước. Các nước công nghiệp hóa sau không thể tiến hành công nghiệp hóa tuần tự từ cơ khí hóa đến tự động hóa như những nước đi trước, mà phải kết hợp cả hai quá trình đó. Bởi vậy, tạiHội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (1994), Đảng ta xác định quan niệm: công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể coi đây là quan niệm mới, quan niệm công nghiệp hóa trong thời kỳ hiện đại. Quan niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Hội nghị đưa ra: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và khoa học – công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Quan niệm này của Đảng ta cho thấy: quá trình công nghiệp hóa không chỉ là phát triển công nghiệp mà còn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; đồng thời, phải áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm mang làm lượng khoa học công nghệ cao thay thế cho những sản phẩm truyền thống.

Quan niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng ta kế thừa và có những bước tiến rất cơ bản trong nhận thức lý luận về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo. Đại hội XII của Đảng đã nhận định: “nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, với nhiệm vụ: “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trên đây là một số quan niệm về công nghiệp hóa được đưa ra trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa của một số nước vàViệt Namtrong những giai đoạn khác nhau, quan niệm công nghiệp hóa ở từng nước đều có những nét riêng do sự vận dụng một quá trình có tính phổ biến vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn của mỗi nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Chương trình KX – 02, Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, con đường và bước đi, Báo cáo tổng hợp, HN, 2008.

2.  Giáo trình trung cấp LLCT – HC, Đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội, Nxb Lý luận chính trị, HN, 2014.

3.  GS.TS Đỗ Hoài Nam (Chủ biên): Một số vấn đề về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, HN, 2003.

4.  Trần Đình Thiên (Chủ biên): Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Phác thảo lộ trình, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2004.

5.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, VIII, XII.

6.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khoá VII, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1994.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-quan-niem-ve-cong-nghiep-hoa-va-su-van-dung-cua-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com