Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Thọ - Thực trạng và giải pháp
Thứ hai, 18.03.2024 01:07Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước và của toàn thể nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã xác định mục tiêu, nội dung và hình thức triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định đó là các khu dân cư, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, tỉnh khang trang hơn, sạch đẹp hơn, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, nếp sống văn minh, hiện đại hơn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực… Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM còn một số hạn chế nhất định. Để khắc phục những hạn chế, bài viết đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hơn hiệu quả trong quá trình xây dựng NTM thời gian tới.
Chủ trương xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước và của toàn thể nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả nhất định đó là các khu dân cư, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, tỉnh khang trang hơn, sạch đẹp hơn, kinh tế xã hội phát triển toàn diện, nếp sống văn minh, hiện đại hơn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo tốt nhất, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực… Có được những thành tựu đó là sự quyết tâm của Đảng, của Nhà nước, của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn trong nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu chung: Tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM ở các khu dân cư. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu 13/13 huyện, thành, thị với 196 xã và 2.040 khu dân cư nông thôn; Năm 2025 toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 53,8% số huyện gồm có thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông, tăng thêm 03 huyện: Thanh Ba, Phù Ninh, Tam Nông. Có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 70% tổng số xã, tăng thêm 44 xã; có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 18,7% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí xã; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Có 1720/2040 khu dân cư đạt chuẩn NTM bao gồm cả các khu dân cư NTM ở các xã đạt chuẩn NTM, đạt 84,3% tổng số khu dân cư, trong đó có tối thiểu 172 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu bằng 10% tổng số khu dân cư đạt chuẩn NTM[1].
Để thực hiện các mục tiêu trên, Phú Thọ xác định tập trung các nội dung xây dựng NTM là tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch các cấp; tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất; Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế chăm sóc sức khoẻ người dân; Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; Cải thiện môi trường sống ở nông thôn; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Bảo đảm quốc phòng và an ninh trật tự.
Từ việc xác định các nội dung, mục tiêu trong xây dựng NTM, Phú Thọ đã triển khai cách thức phù hợp, như: xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với từng vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc triển khai thực hiện nội dung xây dựng NTM trên địa bàn. Tăng cường tổ chức, hướng dẫn, vận động nhân dân phát triển kinh tế; Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh tại khu dân cư; Tổ chức vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; Phối hợp với Ban công tác Mặt trận khu dân cư và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM, đô thị văn minh. Với những cách thức triển khai phù hợp, khoa học, nên việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả nhất định.
Năm 2023, Phú Thọ đã đạt được những kết quả nhất định, điển hình là công tác chỉ đạo, ban hành văn bản về xây dựng NTM được lãnh đạo chính quyền tỉnh quan tâm ban hành, triển khai nghiêm túc. Trong năm, tỉnh đã ban hành 03 nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, 04 kế hoạch của UBND tỉnh, 05 quyết định của UBND tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác để triển khai các mục tiêu trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Về công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được các cấp chính quyền chú trọng đổi mới về phương pháp, cách thức phù hợp với các đối tượng được tuyên truyền, đặc biệt là đối với nhân dân ở địa phương mình phụ trách. Trong đó, các cấp chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM; giới thiệu cách làm hay, mô hình hiệu quả thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Kịp thời biên soạn và phát hành trên 1.000 băngzôn, khẩu hiệu, trên 1.000 panô, in trên 600.000 tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền, hơn 100.000 tranh cổ động về Chương trình phát đến các hộ dân; xây dựng trên 100 chuyên mục chung sức xây dựng nông thôn mới và viết trên 300 tin, bài tuyên truyền về xây dựng nông thôn...
Các cuộc vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được tổ chức, triển khai tới toàn thể nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM ở các địa phương. Đồng thời, triển khai kịp thời phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tới nhân dân tại khu dân cư, tại các xã, phường, thị trấn và đã thu hút được sự quan tâm của toàn thể nhân dân tăng thêm sức mạnh trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Hiện nay, ở Phú Thọ có 1.655/2.040 khu dân cư NTM, trong đó có 72 khu dân cư NTM kiểu mẫu; có 135/196 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,0 tiêu chí/xã. Theo đó, cấp huyện: huyện Lâm Thao, Thanh Thủy đạt chuẩn NTM; thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Tam Nông, Thanh Ba và Phù Ninh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đóhuyện Thanh Ba và Tam Nông đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, trình công nhận đạt chuẩn NTM báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên cơ sở đó, 100% các huyện, thành thị trên tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được mô hình điểm về tự quản bảo vệ môi trường, tiêu biểu là thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Đoan Hùng có các mô hình lồng ghép bảo vệ môi trường với bảo đảm trật tự an toàn giao thông...; 100% khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước; xây dựng được nhóm nòng cốt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và đi vào hoạt động đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tham gia tích cực phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân đất Tổ tham gia phòng ngừa tấn công tố giác tội phạm”, mỗi khu dân cư đều có hòm thư tố giác tội phạm. Thường xuyên hướng dẫn, đẩy mạnh hoạt động giám sát của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, góp phần chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hạn chế tham nhũng, quan liêu, hách dịch, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở.[2]
Với những kết quả trên cho thấy việc xây dựng NTM ở tỉnh Phú Thọ đã được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội và toàn thể nhân dân. Từ đó đã tạo nên một sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, nội dung xây dựng NTM thời gian qua, tạo đà xây dựng khu dân cư khang trang, hiện đại, đời sống của nhân dân Phú Thọ ngày càng được nâng cao, ý thức, tinh thần trách nhiệm của nhân dân được đổi mới.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, quá trình xây dựng NTM còn một số hạn chế nhất định, đó là: Công tác tuyên truyền đôi khi còn hình thức, một số hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao; Kết quả xây dựng NTM còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; Quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí chưa thực sự chất lượng, hiệu quả chưa thực sự cao. Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nhưng tựu trung lại, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức, còn một số ít người dân, cán bộ có tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, chính quyền, cá nhân trong tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM trên địa bàn. Tăng cường nâng cao nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng và vấn đề thụ hưởng trong xây dựng NTM; Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các tổ chức, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn; Thường xuyên đôn đốc, giám sát hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí xây dựng NTM; Tập trung thu hút, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng NTM. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp điều kiện thực tế và nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn hỗ trợ phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân nông thôn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Với những kết quả đạt được nêu trên, công cuộc xây dựng NTM hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh của đất nước ta nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã và đang gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Xây dựng NTM phát triển bền vững, phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu, thực sự mang lại cuộc sống vật chất, tinh thần ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
ThS. Đoàn Thị Hồng Việt
Khoa Nhà nước và pháp luật
[1] Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
[2] Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 và kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn sự nghiệp năm 2024.
• Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
• Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Vận dụng Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào xây dựng đội ngũ trí thức Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hướng tới đạt chuẩn
• Giáo dục niềm tin theo Đảng
• Một số kỹ năng và phương pháp viết bài chính luận khoa học đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
• Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực tiễn tỉnh Phú Thọ
• Đẩy mạnh liên kết vùng - Tạo động lực để Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới
• Cảm nhận về Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - năm 2023
• An sinh xã hội - Nhiệm vụ chiến lược góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam