Từ tư tưởng cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin đến công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 26.07.2023 01:421. Tư tưởng cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin
Trong tác phẩm Thà ít mà tốt của V.I.Lênin được công bố vào tháng 3 năm 1923, ông đã tập trung đánh giá thực trạng của Nhà nước Xôviết, từ đó đưa ra quan điểm cụ thể về cải tiến bộ máy nhà nước theo phương châm thà ít mà tốt. Từ thực tiễn Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy vấn đề này cũng đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Những tư tưởng về cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin có ý nghĩa lớn trong công tác cải cách tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Trong tác phẩm này, V.I.Lênin đánh giá thẳng thắn vai trò, ý nghĩa lịch sử và thực chất của Nhà nước Xô viết. Trong đó, ông cũng chỉ rõ hạn chế của bộ máy nhà nước Xô viết: “Tình hình bộ máy nhà nước ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”1; “Trừ Bộ dân ủy ngoại giao ra, bộ máy nhà nước của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư của thời trước và rất hiếm được sửa đổi một cách ít nhiều đáng kể. Bộ máy ấy chỉ được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ ở ta”2. V.I.Lênin đã tìm ra nguyên nhân của những yếu kém của bộ máy nhà nước đó là do có yếu tố bắt nguồn từ quá khứ, do trình độ văn hóa thấp, do cuộc nội chiến kéo dài, do sự chống phá của các nước đế quốc với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga… Bên cạnh đó, còn do cồng kềnh, đông người, lề lối làm việc giấy tờ và do thứ “bệnh” quan liêu, bảo thủ, xa rời quần chúng, không muốn đổi mới khi thực tiễn đã thay đổi trong bộ máy nhà nước làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định: “trong một chừng mực nào đó, bệnh truyền nhiễm ấy cũng là do những phần tử quan liêu đáng yêu của chúng ta cố ý làm lây sang chúng ta…” 3, “xin nói thêm, ở bọn quan liêu ấy đang tồn tại không những trong các cơ quan Xô viết mà cả trong các cơ quan đảng nữa” 4.
Trên cơ sở thực tiễn, V.I.Lênin đưa ra yêu cầu phải xây dựng một Nhà nước Xô viết gọn nhẹ, thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, dựa trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công - nông, phải có cái mới về số lượng và chất lượng. V.I.Lênin viết” “Chúng ta phải gắng sức xây dựng một nhà nước, trong đó công nhân tiếp tục lãnh đạo nông dân, duy trì được lòng tin của họ đối với mình…”5; “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được. Và đứng vững như thế, không phải là đứng vững ở một trình độ một nước tiểu nông, ở trình độ eo hẹp về mọi mặt đó, mà là ở một trình độ ngày càng vươn lên nền đại công nghiệp cơ khí”6. Lênin cũng chỉ rõ điều kiện cơ bản để cải tiến bộ máy nhà nước Xô viết là giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải nâng cao trình độ, gắn kiến thức khăng khít với cuộc sống để phục vụ lợi ích chung. Ông khẳng định: “muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là lời nói theo mốt nữa…, phải làm sao cho học thức thực sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của chúng ta”7.
Phương châm chỉ đạo cải tiến bộ máy nhà nước Xô viết của Lênin là “Thà ít mà tốt”, cải tiến bộ máy nhà nước phải có trọng điểm, thận trọng, vững chắc, tránh lề mề, chậm chạp, kéo dài, kém hiệu quả, kiên trì, nỗ lực lâu dài để thực hiện cả quá trình. Ông nhấn mạnh: “chỉ hành động khi đã suy nghĩ chín chắn”, “không vội vàng mà cũng không từ chối làm lại những việc có thể là đã làm qua một lần rồi. Ở đây, những biện pháp nửa chừng sẽ hết sức tai hại”, “nếu không kiên nhẫn, nếu không dành cho công tác ấy nhiều năm tháng thì tốt hơn là đừng bắt tay vào việc”8. Những biện pháp chủ yếu để cải tiến bộ máy nhà nước là: tăng cường công tác kiểm tra; hợp lý hóa tổ chức, tinh giản bộ máy, biên chế, tiết kiệm trong xây dựng bộ máy và đặc biệt phải biết lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ, phải có những cán bộ lãnh đạo ưu tú, phải thanh lọc những phần tử xấu ăn hối lộ.
V.I.Lênin khẳng định, yếu tố con người là yếu tố quyết định đến hiệu quả, chất lượng của bộ máy nhà nước. Vì vậy, khi cải tiến bộ máy nhà nước nhất định phải quan tâm và tiến hành từ công tác cán bộ. “Phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được” 9.
Một biện pháp căn bản và hàng đầu trong quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước mà Lênin nhấn mạnh là đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng cán bộ cũng được Đảng ta quan tâm sâu sắc. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là gốc rễ của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ “then chốt của vấn đề then chốt”; cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”10. Về sử dụng cán bộ, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đặc biệt, Lênin cũng nhấn mạnh vai trò của biện pháp thanh tra, kiểm tra trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây cũng là một trong những biện pháp hàng đầu mà Đảng ta xác định trong nhiều nhiệm kỳ qua. “Không quên kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần, mà sáng tạo ra một cái gì thực sự không chê trách được, một cái gì có thể làm cho tất cả và từng người phải tôn trọng không chỉ vì chức vị và cấp bậc”11. Phải thanh lọc khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, những kẻ ăn hối lộ, những phần tử lạc lõng khác. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, trong công tác quản lý nhà nước, nội dung thanh tra, kiểm tra phải luôn được Đảng quan tâm, đề cao và coi đây là một trong những nội dung cơ bản nhất của công tác quản lý nhà nước. Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, Đảng cũng kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực để xây dựng bộ máy nhà nước ngày một trong sạch, vững mạnh.
2. Sự vận dụng của Việt Nam trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
Trong quá trình cách mạng, Đảng ta rất quan tâm đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước. Từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã ban hành và tổ chức thực hiện rất nhiều nghị quyết về đổi mới, cải cách, kiện toàn bộ máy chính trị, bộ máy hành chính nhà nước. Dựa trên những định hướng chiến lược của Đảng, bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng đã từng bước cải cách và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được sắp xếp lại một bước theo hướng gọn nhẹ hơn, đặc biệt là từ khi Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ đến Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 xác lập khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động cải cách hành chính của mọi cấp, mọi ngành trong giai đoạn 2001 - 2010. Việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 đã mang lại những kết quả to lớn, nhưng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trên cơ sở đánh giá khách quan và nghiêm túc những thành tựu đạt được và những bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, bức tranh cải cách hành chính trên cả nước cơ bản đã đạt được nhiều kết quả tốt được xem là điểm nhấn quan trọng. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp, nhất là ở các địa phương; thực hiện tích cực việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (đã giảm 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố, tương ứng giảm 39%)…
Tuy nhiên, việc thực hiện cho thấy vẫn còn một số mặt hạn chế. Những hạn chế này đã được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Chính phủ cũng đánh giá “... Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh”.
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra mục tiêu chung: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời, cũng xác định rõ mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: “Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động”. Đến năm 2025: Giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030: Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian. Tiếp tục giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quyết tâm chính trị đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, trong đó, trọng tâm là xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Có thể thấy, từ tư tưởng của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước Xô viết có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam giai đoạn hiện nay. Tư tưởng này tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng linh hoạt phù hợp để quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước của đất nước gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
ThS. Nguyễn Việt Hà – Khoa Lý luận cơ sở
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t45, tr 443.
2,3,4,5,6,7,8,9. Sđd, tr 445, tr 453, tr 451, tr 458, tr 459, tr 444, tr 447, tr 446.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG, H.2021, tr.230.
11. Sđd, tr 447.
• Kết quả thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Phú Thọ một minh chứng về sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”
• Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Giáo dục thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước
• Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2018 - 2022
• Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy bài “Lý luận hình thái kinh tế - xã hội”
• Đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh
• Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam
• Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp bồi dưỡng của Thành ủy Việt Trì
• Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường lần thứ IX (2020 - 2025)