Tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhà nước
Thứ hai, 09.01.2023 02:15Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình cải cách hành hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 -2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 và để tạo tiền đề cho việc thực hiện CCHC nhà nước những năm tiếp theo; từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2022, UBND tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện CCHC trên địa bàn toàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Xác định CCHC nhà nước là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành và các địa phương trên toàn tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ 06 nội dung của Chương trình CCHC nhà nước theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021, Kế hoạch số 1782/KH-UBND ngày 05/5/2021 của UBND về CCHC nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch hằng năm. UBND tỉnh đã ban hành 42 quyết định quy phạm pháp luật, HĐND tỉnh ban hành 24 nghị quyết quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện theo nội dung của Chương trình CCHC. Các văn bản ban hành nhằm triển khai thực hiện các Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhằm cung cấp thông tin pháp lý và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; thực hiện phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; phân công nhiệm vụ thành viên UBND; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh theo đúng quy định của Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác kiểm soát, rà soát, cập nhật, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC); tổ chức thực hiện thí điểm quy trình “4 tại chỗ” trong giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu chi phívề thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc thực hiện TTHC. UBND tỉnh đã ban hành 102 quyết định về công bố danh mục TTHC. 100% TTHC được niêm yết công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; đăng tải trên Cổng dịch vụ công tỉnh Phú Thọ, Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ và trên Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành; 100% các TTHC được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (không tính các lĩnh vực đặc thù theo quy định của Chính phủ).
Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 108/2022/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện đúng theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ đối tượng tinh giản biên chế và thực hiện chi trả chế độ chính sách Nhà nước theo đúng quy định, trong năm 2021 đã thực hiện 02 đợt tinh giản biên chế với 187 cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức luôn được UBND tỉnh quan tâm đổi mới và thực hiện chặt chẽ trên các nội dung góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, đáp ứng được nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành theo vị trí việc làm và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý lãnh đạo cho cán bộ, công chức của tỉnh. Trong năm 2021, Sở Nội vụphối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện mở 22 lớp bồi dưỡng kiến thức về ngoại giao, văn hóa, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ... cho 2.282 học viên; mở 06 lớp bồi dưỡng, cập nhật, bổ sung những kiến thức cần thiết về bảo vệ môi trường cho 360 công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã. 06 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 200 công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; 02 lớp bồi dưỡng cho 200 Phó Chủ tịch UBND cấp xã; 02 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên cho 190 công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Tân Sơn và huyện Cẩm Khê.
Ngoài ra, công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng, giảm thời gian chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Đến tháng 6/2022, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống đang cung cấp 1.508 TTHC, trong đó mức độ 3 là 802 TTHC (đạt 100%); mức độ 4 là 706 TTHC (đạt 100%). Tổng số 647 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 40,13%. Hệ thống một cửa tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận 222.489 hồ sơ và thực hiện giải quyết 215.076 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,6% hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn. 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành; UBND các xã, phường, thị trấn đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các hệ thống nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử như: Hệ thống nền tảngtích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối, liên thông một số hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ, được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã; trang bị cho máy scan phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở đạt 100%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến 13 huyện, thị, thành và 225/225 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã được xây dựng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ; kết nối, liên thông gửi nhận thông tin với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Với những kết quả đạt được trong công tác CCHC nhà nước nêu trên,năm 2021, Chỉ số CCHC(Par Index) của tỉnh Phú Thọ được đánh giá đạt: 88,59 điểm; xếp thứ hạng 09/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 2,85 điểm và tăng 01 bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 89,30% (tăng 1,1% so với năm 2020). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,11/100 điểm Phú Thọ xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)tăng 02 bậc so với năm 2020 và đứng thứ 01 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác CCHC của tỉnh Phú Thọ vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số cơ quan được giao chủ trì dự thảo văn bản chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình xây dựng nghị quyết, quyết định; thời gian lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản có lúc chưa đảm bảo theo quy định; một số ngành, đơn vị chưa tích cực tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa nghiêm.Công tác rà soát, cập nhật TTHC thay đổi theo văn bản quy phạm pháp luật vào các quy trình, tài liệu của hệ thống quản lý chất lượng chưa kịp thời; một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hồ sơ giải quyết muộn, trả quá hạn. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chất lượng chưa đảm bảo, đã ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong CCHCnhà nước, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện 06 nội dung CCHC nhà nước mà trọng tâm là cải cách thế chế, cải cách chế độ công vụ và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật, chương trình CCHC để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện các nội dung CCHC. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra CCHC, chế độ công vụđể kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những cơ quan, đơn vị, địa phương sai phạm.
Qua đánh giá công tác CCHC của tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua, cho thấy UBND tỉnh luôn xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ; tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành của tỉnh thực hiện CCHC và đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả CCHC ở tỉnh Phú Thọ là những thông tin thực tiễn quan trọng có thể sử dụng đưa vào các bài giảng thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị. Đối với môn: “Quản lý hành chính nhà nước” do khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhận thì những nội dung trên có thể vận dụng đưa vào bài: “Quản lý hoạt động kinh tế ở cơ sở” để làm rõ tầm quan trọng của CCHC trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ở cơ sở và bài “Cải cách hành chính ở cơ sở” để làm rõ các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn CCHC trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
ThS. Lê Thị Lệ Huyền
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX.
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
3. Báo cáo số 243/BC-UBND ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
4. Kế hoạch số 5893/KH-UBND ngày 31/12/2020của UBND về thực hiện nhiệm vụ CCHC nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2021.
5. Báo cáo số 272/BC-UBND ngày 24/14/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về Công tác CCHC nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2021.
6. Báo cáo số 79/BC-UBND ngày 17/6/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ về CCHC nhà nước tỉnh Phú Thọ 06 tháng đầu năm 2022.
• Kết quả phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện Cẩm Khê
• Vận dụng kiến thức các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy lý luận chính trị
• Tìm hiểu ”Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
• Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
• Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
• Giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, góp phần khơi dậy khát vọng xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc
• Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới ở tỉnh Phú Thọ
• Những hoạt động thiết thực của Ban Chấp hành Công đoàn chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường (1957 - 2022)
• Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1