Tìm hiểu quan điểm về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa 13
Thứ hai, 26.06.2023 00:46Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nhằm cụ thể hóa quan điểm trên và đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu, quan trọng. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định rõ 05 quan điểm chỉ đạo; mục tiêu, trọng tâm và đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.
Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số điểm nổi bật trong các quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.Đây là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
Quan điểm thứ nhất: Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta, bao quát toàn bộ các quan điểm trong Nghị quyết; thể hiện đường lối nhất quán, không thay đổi của Đảng là “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Do đó, trong xây dựng nhà nước pháp quyền, việc đầu tiên cần phải quán triệt và thống nhất, đó là: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng”. Bởi vì, nếu không kiên định và vận dụng sáng tạo thì trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền có thể sẽ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, quan điểm đã thể hiện định hướng phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Quan điểm thứ hai: Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân.
Quan điểm này thể hiện nội dung cốt lõi, quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, thể hiện bản chất của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Điều này hoàn toàn phù hợp và lôgíc với quan điểm nhất quán từ trước đến nay của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước là nhân dân; nhân dân thực hiện quyền của mình bằng cách trao quyền và ủy quyền cho Nhà nước, do đó các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; đồng thời, phải có sự kiểm soát trong quá trình các cơ quan thực hiện các quyền được trao.
Quan điểm thứ ba: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Quan điểm trên vừa là nội dung, vừa là mục tiêu hướng tới của xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đó là: “Đề cao tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật”, bởi vì xét cho cùng bản chất của nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ coi trọng tính tối thượng của pháp luật mà không quan tâm đến công tác giáo dục, đến đạo đức và giá trị của con người thì việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam sẽ khó giữ được bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bên cạnh đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật thì trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật phải luôn đảm bảo tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tất cả vì hạnh phúc của con người.
Quan điểm thứ tư: Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm này hướng tới xây dựng mô hình nhà nước vừa đáp ứng những giá trị phổ quát, vừa bao gồm những yếu tố giá trị đặc thù quốc gia, đó là: kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố hợp lý, phù hợp của các tư tưởng tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại khi vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất.
Quan điểm thứ năm: Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Quan điểm này đề ra yêu cầu đối với xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, đó là: Đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp phải luôn mang tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất; không tập trung hay coi trọng yếu tố nào; đồng thời, phải có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực cần thiết cho việc hoàn thiện các cơ quan.
Trong thời gian qua, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nên khác với các mô hình nhà nước pháp quyền trên thế giới. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục, do đó Đảng xác định: “những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 27-NQ/TW là kết quả của quá trình tổng kết, kế thừa nội dung của Cương lĩnh, Văn kiện của Đảng, Hiến pháp qua các thời kỳ về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bám sát tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam. Một lần nữa khẳng định, lập trường kiên định nhất quán đúng đắn của Đảng ta về sự cần thiết, vai trò quan trọng và định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Để Nghị quyết này được thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các đơn vị cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
ThS. Lê Thị Lệ Huyền
Phó Trưởng khoa Nhà nước & pháp luật
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, HN.2021.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
• Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam
• Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn trong giai đoạn mới
• Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
• Phát huy vai trò của giảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
• Vận dụng quan điểm về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
• Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay
• Biện pháp khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị
• Sự cảnh báo các căn bệnh trong công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giải pháp cho Đảng ta hiện nay
• Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đồng thời tập trung cho những “việc khó”