Phương pháp dạy học tích cực - Gợi mở giải pháp khắc phục tâm lý “ngại học” lý luận chính trị của học viên
Thứ ba, 12.09.2023 00:45Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng các hình thức mới, các phương pháp dạy học tích cực trong giáo dục đã trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Thay vì chỉ dựa vào giảng dạy truyền thống, các hình thức mới, các phương pháp dạy học tích cực giúp người học có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách tổng quát và đa dạng hơn. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập phong phú, kích thích sự tư duy, sáng tạo và tăng khả năng ứng dụng. Bên cạnh đó, đối tượng học viên của các trường chính trị cấp tỉnh rất đa dạng, phong phú với đặc thù là cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội nên việc tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học là cần thiết.
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ luôn quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bám sát quan điểm, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; luôn đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng chuyên môn và xác định đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà trường. Trên tinh thần đó, “mỗi giảng viên nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy từ phương pháp truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực với nhiều phương pháp khác nhau… Các buổi học, giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đã làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn; học viên được tham gia vào nội dung bài giảng cùng với giảng viên, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên được phát huy... Qua việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng chuyên môn được nâng lên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường”. Có thể thấy rõ, mỗi bài giảng được đầu tư chăm chút “sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học, song tùy thuộc vào đối tượng học viên mà lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp”. Tuy nhiên, “về phương pháp giảng dạy trong nhà trường vẫn còn nặng về thuyết trình, chưa áp dụng một cách thực sự hiệu quả phương pháp giảng tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên… Trong khi đó, học viên còn thụ động khi nghe giảng cũng như thảo luận…”. Với “thời gian đào tạo là 1.056 tiết học, đối với lớp hệ tập trung học liên tục 06 tháng x 22 ngày/tháng x 08 tiết/ngày và đối với lớp hệ không tập trung học 12 tháng”. Khi thực hiện học hoàn toàn trực tiếp trên lớp, khiến học viên có tâm lý “ngại học” và thậm chí “sợ học” lý luận chính trị vì thời gian học dài, phải ngồi học trong tư thế nghiêm chỉnh, gò bó...
Từ thực tế trên, trong thời gian tới nhà trường có thể áp dụng hình thức mới trong đào tạo, bồi dưỡng để giảm thời gian học trực tiếp trên lớp: Sử dụng các phần mềm quản lý bài giảng để học viên có thể truy cập và tự học, phần mềm này cũng đồng thời cho phép nhà trường, giảng viên quản lý, thống kê thời gian truy cập, thời gian đọc tài liệu của học viên; sau đó học viên sẽ làm một bài kiểm tra nhỏ để đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức, chỉ khi nào học viên đạt các tiêu chí đánh giá thì mới đủ điều kiện để đến lớp học trực tiếp. Đồng thời, thời gian học trực tiếp trên lớp sẽ được rút ngắn, giảng viên không cần giảng lại toàn bộ nội dung các bài học, chỉ tập trung giải đáp thắc mắc, hướng dẫn và tổ chức cho học viên thảo luận chuyên sâu các nội dung trong chương trình. Điều này giúp người học không còn “ngại học, “sợ học”, bị “gò bó” khi ngồi học trong thời gian dài, ngược lại, người học được chủ động, linh hoạt về thời gian tự học, tự nghiên cứu. Với hình thức này, học viên còn được rèn luyện kỹ năng tự đọc, tự đánh giá trước khi đến lớp.
Song song với hình thức mới này, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị. Như vậy, khi dạy trực tiếp trên lớp giảng viên không còn là những người truyền đạt kiến thức một chiều, mà trở thành người đồng hành, người hướng dẫn cho học viên. Vì vậy, giảng viên cần kết hợp nhiều phương pháp: phương pháp chuyên gia, phương pháp hỏi đáp, phương pháp nêu ý kiến ghi bảng, phương pháp làm việc nhóm… Từ đó, hình thành cho học viên khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, làm việc nhóm, thảo luận, chia sẻ ý kiến trong quá trình học tập… Từ đó, giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy phối hợp cho người học, đồng thời khuyến khích người học phát triển kiến thức sâu, tư duy sáng tạo và phản biện.
Để áp dụng hình thức mới, phương pháp dạy học tích cực trong đào tạo Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, nhà trường cần quan tâm làm tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, nhà trường xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết về chương trình: số tiết học viên tự học, số tiết học trực tiếp trên lớp; thứ tự và thời gian học trực tiếp của các môn học trên lớp; xây dựng và ban hành mẫu tài liệu học tập, giáo án bài giảng để gửi trước cho học viên tự đọc, tự nghiên cứu… Sau đó, nhà trường tổ chức tập huấn cụ thể cho giảng viên về sử dụng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng, tài liệu học tập trực tuyến, và quản lý quá trình tự học của học viên, định hướng các nội dung trao đổi, thảo luận trực tiếp trên lớp...
Thứ hai, giảng viên cần xây dựng bài giảng và tài liệu học tập trực tuyến, nhằm tăng cường khả năng học tập tự chủ của học viên. Nhà trường thiết kế hoặc sử dụng phần mềm quản lý bài giảng trực tuyến giúp quản lý được quá trình tự học của học viên.
Thứ ba, phân chia học viên mỗi lớp thành các “nhóm học tập” với số lượng từ 07 đến 10 học viên một nhóm, cử giảng viên ở các khoa chuyên môn phụ trách các nhóm học tập. Điều này giúp học viên trực tiếp liên hệ tham vấn ý kiến giảng viên trong quá trình học, khơi dậy tính tích cực và chủ động của người học.
Thứ tư, để thực hiện hình thức mới, phương pháp dạy học tích cực, cần đảm bảo các điều kiện vật chất như trang bị máy tính, kết nối internet và tính toán giờ dạy quy đổi, thù lao giảng dạy, quản lý học viên phù hợp.
Có thể thấy, việc áp dụng hiệu quả hình thức mới, phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị sẽ giúp khắc phục những hạn chế, để việc học lý luận chính trị của cán bộ và đảng viên trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn trong thời gian tới.
ThS. Đỗ Thị Thúy Hoa
Khoa Xây dựng Đảng
• Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để phát huy tinh thần yêu nước của thanh niên trong giai đoạn mới
• Phú Thọ sau 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW
• Vận dụng triết học Mác - Lênin phản bác một số luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay
• Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch về bình đẳng dân tộc, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay
• Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh
• Phú Thọ hướng tới thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
• Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Từ tư tưởng cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin đến công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay
• Gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị