Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thứ hai, 18.03.2024 10:10Đại đoàn kết toàn dân tộc là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Kế thừa truyền thống quý báu đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn phát huy vai trò của mình trong tập hợp và xây dựng khối đoàn kết dân tộc bền vững. Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết sẽ là cơ sở để MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại, Người đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá; trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, xuyên suốt trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Một trong những tư tưởng của Người về đoàn kết dân tộc là xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là ngôi nhà chung tập hợp, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ khi thành lập, ngày 18/11/1930, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) có nhiều hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau và luôn làm tròn sứ mệnh cao cả của mình là đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo vì mục tiêu cách mạng của Đảng, của dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức ngày càng được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, MTTQ tỉnh Phú Thọ đã làm tốt vai trò tập hợp, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đạt được những kết quả nhất định.
Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII. Tiếp tục mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Hội Phụ nữcác cấp tập hợp, thuhút phát triển thêm 2.364 hội viên mới; Công đoàn thành lập mới được 22 công đoàn cơ sở, phát triển tăng thêm 3.500 đoàn viên. Đoàn Thanh niên các cấp kết nạp 10.712 đoàn viên mới; Hội Nông dân tỉnh kết nạp mới 2.500 hội viên. Hội Khuyến học tỉnh phát triển thêm 283 chi hội, 145 ban khuyến học. Hội truyền thống Trường Sơn kết nạp 207 hội viên. Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh thành lập mới 02 Chi hội cấp huyện trực thuộc Tỉnh hội.[1]
Thứ hai, về triển khai các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng đến các khu dân cư trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung và mô hình cụ thể, thiết thực. Các tổ chức thành viên của MTTQ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 135/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 04 huyện, thành, thị NTM; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 huyện là Tam Nông và Thanh Ba đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.[2]
Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”tiếp tục được MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2024 gắn với thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ ba, về thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng các tầng lớp nhân dân, từ đó đề xuất biện pháp sát thực để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân.MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; tổng hợp báo cáo HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết.
Thứ tư, về công tác xây dựng Đảng, chính quyền.
MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã tham gia góp ý vào 697 văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các dự thảo chương trình, đề án và các văn bản khác của cấp ủy, chính quyền cùng cấp; chủ trì và phối hợp phản biện 52 cuộc bằng hình thức tổ chức hội nghị và gửi dự thảo văn bản phản biện; tổ chức 284 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 2.232 lượt ý kiến tham gia góp ý của các tổ chức, cá nhân.[3]
Năm 2023, MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ luôn bám sát nghị quyết của các cấp ủy Đảng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế: Công tác nắm bắt tình hình, thông tin ở cơ sở có lúc, có việc chưa kịp thời, chưa thường xuyên; Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong tập hợp, thu hút hội viên thực sự chưa theo kịp với tình hình và yêu cầu thực tế đặt ra.
Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 24/11/2003, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết đã đánh giá tương đối đầy đủ những kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, khóa IX ngày 12/3/2003 “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nghị quyết cũng chỉ ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm, xác định những quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hướng tới mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đại đoàn kết dân tộc cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Chú trọng xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện; phát hiện từ sớm, từ xa; ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân.
Tổ chức tốt việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng cơ chế phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của địa phương, những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của người dân.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQViệt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để MTTQ Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tích cực nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.
Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động, đoàn kết nhân dân, trọng tâm là địa bàn cơ sở; tăng cường đồng thuận xã hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nhân rộng, nâng cao hiệu quả mô hình liên kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Bốn là, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm giàu cho gia đình, quê hương. Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, MTTQ tỉnh Phú Thọ đã phát huy hiệu quả vai trò của mình; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, mở rộng và tăng cường, tạo nguồn sức mạnh và là động lực chủ yếu góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Vai trò của MTTQ các cấp trong hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc góp phần thúc đẩy tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững và thực hiện thành công Nghị quyết số 43-NQ/TW trong giai đoạn mới.
ThS. Trần Thị Hải Yến
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
[1] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ: Báo cáo Kết quả công tác Mặt trận năm 2023; Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024.
[2] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ: Báo cáo Kết quả công tác Mặt trận năm 2023; Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024.
[3] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ: Báo cáo Kết quả công tác Mặt trận năm 2023; Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024.
• Phát triển khoa học, công nghệ thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
• Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Vận dụng Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào xây dựng đội ngũ trí thức Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hướng tới đạt chuẩn
• Giáo dục niềm tin theo Đảng
• Một số kỹ năng và phương pháp viết bài chính luận khoa học đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
• Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực tiễn tỉnh Phú Thọ
• Đẩy mạnh liên kết vùng - Tạo động lực để Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới
• Cảm nhận về Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - năm 2023