Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp bồi dưỡng của Thành ủy Việt Trì
Thứ ba, 25.07.2023 08:24Lý luận gắn liền với thực tiễn” là một trong những nguyên tắc cơ bản được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nói: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”.
Quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Điều này thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và hoạt động giảng dạy, trong đó hoạt động nghiên cứu thực tế là một nội dung quan trọng giúp học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm thực tế, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện.
Ngày 22/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về Đề án giải thể và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Chính trị thành phố về Trường Chính trị tỉnh với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, tránh trùng chéo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, Trường Chính trị tỉnh đã kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới, phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Thành ủy Việt Trì xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp số 01-QCPH/TCT-TUVT ngày 02/12/2021 trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.
Như vậy, ngoài chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hiện nay còn thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Trong đó, các lớp phối hợp với Thành ủy Việt Trì bao gồm: Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở và các chương trình bồi dưỡng.
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Ban Bí thư về xây dựng trường chính trị chuẩn. Một trong những yêu cầu cấp thiết là công tác giảng dạy phải luôn gắn giữa lý luận với thực tiễn thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã ban hành một số hướng dẫn, quy định cụ thể về nghiên cứu thực tế như: Hướng dẫn số 59-HD/BTGTW ngày 16/6/2022 về thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng dành cho Bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở; Hướng dẫn số 60-HD/BTGTW ngày 16/6/2022 về thực hiện chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới; Hướng dẫn số 61-HD/BTGTW ngày 16/6/2022 về thực hiện chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Các Hướng dẫn đều quy định trong chương trình học tập có 05 tiết (01 buổi) tham quan hoặc báo cáo chuyên đề. Bên cạnh đó, Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định các nội dung chi do các cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng có mục chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế.
Chính vì vậy, các lớp bồi dưỡng phối hợp với Thành ủy đều tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu thực tế nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn cho giảng viên và học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường đã tổ chức cho các lớp bồi dưỡng tham quan một số địa điểm như: Bảo tàng Quân khu II, các mô hình chế biến chè và các loại hoa quả sấy, trang trại nuôi hươu, nai và tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của 02 xã Xuân Lộc và Tu Vũ huyện Thanh Thủy. Tham quan Khu Di tích lịch sử K9 - Đá Chông và Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn 4, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu thực tế cũng còn một số khó khăn, bất cập nhất định. Mặc dù đã có hướng dẫn của Trung ương, song chưa được cụ thể hóa thành các quy định cụ thể nên việc thực hiện chưa thực sự thống nhất về quy trình. Lựa chọn mô hình địa điểm đôi khi gặp khó khăn do thiếu thông tin, chưa đa dạng. Việc liên hệ, kết nối với địa phương, tổ chức, đơn vị đến nghiên cứu thực tế chưa chặt chẽ ảnh hưởng đến quá trình thu thập và tiếp cận thông tin thực tiễn của học viên. Học viên chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò và thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, mục đích, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế nên chỉ dừng lại ở mức độ thăm quan là chủ yếu. Các đơn vị phối hợp chưa thực sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu thực
tế cho học viên…
Để khắc phục những khó khăn trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, cần bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn hoạt động đi nghiên cứu thực tế đảm bảo quy định khoa học, chặt chẽ, thống nhất về quy trình, cách thức triển khai. Các văn bản hướng dẫn cần đảm bảo theo Quy chế đào tạo và hướng dẫn của Trung ương, cũng như điều kiện thực tiễn của nhà trường và yêu cầu của Thành ủy. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trực tiếp tham mưu, xây dựng nội dung chương trình, lựa chọn địa điểm liên quan tới hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp bồi dưỡng để sự phối hợp được nhịp nhàng, hiệu quả.
Hai là, các lớp phối hợp với Thành ủy thường là các lớp ngắn hạn, vì vậy cần xây dựng các mô hình đi nghiên cứu thực tế phù hợp đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: nội dung đi nghiên cứu thực tế phải thiết thực, hiệu quả; các mô hình nghiên cứu thực tế phải mang tính tiêu biểu, gắn với kiến thức đã được học trong chương trình liên quan tới các điển hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở.
Ba là, đa dạng hóa phương thức đi nghiên cứu thực tế theo các hướng: nghe báo cáo thực tế do địa phương, đơn vị chuẩn bị; trao đổi các vấn đề cần quan tâm, thắc mắc; nghiên cứu sâu các mô hình, điển hình; tìm hiểu cách làm hay, làm mới của địa phương, đơn vị; tham dự các hoạt động chung của địa phương, đơn vị và các hoạt động riêng của các tổ chức chính trị - xã hội; tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội.
Bốn là, nâng cao nhận thức của cấp ủy và cán bộ, giảng viên, học viên về vai trò, ý nghĩa của hoạt động đi nghiên cứu thực tế. Cần xác định nghiên cứu thực tế là một trong những nội dung quan trọng để gắn lý luận với thực tiễn. Từ đó, giúp học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện.
Năm là, sau các buổi đi nghiên cứu thực tế cần có trao đổi, rút kinh nghiệm giữa Ban Giám hiệu nhà trường, Thành ủy Việt Trì với học viên. Vấn đề trao đổi cần tập trung các nội dung liên quan tới chương trình, thời gian, địa điểm nghiên cứu thực tế. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên để tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế hiệu quả hơn cho các lớp bồi dưỡng khóa sau.
ThS. Hoàng Việt Phương - Phòng QLĐT & NCKH
• Một số bài học kinh nghiệm về thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của tỉnh Phú Thọ
• Tạo sự đồng thuận phấn đấu Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025
• Phát huy tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn
• Kinh nghiệm trong chuyển đổi số ở tỉnh Phú Thọ
• Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh tiếp tục phát huy sức sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sinh hoạt chuyên đề
• Khối thi đua các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Phú Thọ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
• Bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
• Tìm hiểu quan điểm về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa 13
• Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi - Thực tiễn tỉnh Phú Thọ