Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  6
Hôm nay :  1937
Hôm qua :  2255
Lượt truy cập : 4539074
Một số bài học kinh nghiệm về thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của tỉnh Phú Thọ
9 10 2313

Một số bài học kinh nghiệm về thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của tỉnh Phú Thọ

Thứ ba, 25.07.2023 07:59




Là một tỉnh trung du miền núi, Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.519 km2, dân số trên 1,5 triệu người, có 02 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo với 223.854 tín đồ chiếm 17,21 % dân số toàn tỉnh... Có 623 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 179 đình, 100 đền, 58 miếu và 72 nhà thờ các dòng họ (247/623 cơ sở tín ngưỡng đã được nhà nước xếp hạng, trong đó: Di tích cấp quốc gia 52; di tích cấp tỉnh 195) cùng nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hàng năm. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Thần Hoàng có ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh (1).

Trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng hành đạo, hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận; được biểu hiện cụ thể thông qua các hoạt động của Phật giáo với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”... Chính sách tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Phú Thọ đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của đội ngũ chức sắc, đồng bào các tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, tôn giáo, tín ngưỡng ở Phú Thọ cũng còn xuất hiện và hoạt động của một số tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, như tổ chức Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam; Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Long Hoa di lặc, Đoàn 18 Phú Thọ, Hoàng Thiên Long, Pháp môn Diệu Âm, các nhóm theo “Pháp Luân công”... làm cho công tác quản lý và thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Phú Thọ cũng gặp nhiều khó khăn.

1. Kết quả thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Phú Thọ

Thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, ngay sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, về công tác tôn giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 31-KH/TU nghiên cứu quán triệt và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác tôn giáo; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo để tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TU, ngày 22/7/2005 về tăng cường lãnh đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới. Hằng năm, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đều có các văn bản quản lý Nhà nước về các lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng như các văn bản hướng dẫn nhân ngày lễ Phật đản của đạo Phật, lễ Phục sinh, lễ Noel của đạo Công giáo và Tin lành. Các lễ hội tín ngưỡng được giữ gìn và phát huy, các hội nghị của các tổ chức tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được các cấp, các ngành của tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân. Qua đó, làm chuyển biến một bước nhận thức, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết giữa hệ thống chính trị và đồng bào các tôn giáo cùng toàn thể nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình hình địa chính trị trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,7% (vượt kế hoạch và cao nhất trong 03 năm trở lại đây). Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện trên địa bàn ước đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 46 triệu đồng/năm, tăng 6,7% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%... Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có bước phát triển,
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên (2).

Sau 05 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ đã chủ động nắm tình hình và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng, phương châm hành đạo, nên tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hoạt động tuân thủ pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tương đối toàn diện trên các mặt, như quản lý đối với hoạt động của các tôn giáo, tín ngưỡng; giải quyết nhà, đất có liên quan đến tôn giáo; đấu tranh chống các hành vi lợi dụng tôn giáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… 

Việc tổ chức hoạt động lễ hội, quản lý, sử dụng các khoản thu từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, sự phân công phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Nội vụ và các cơ quan hữu quan trong tổ chức quản lý lễ hội tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được chỉ đạo thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, phân cấp quản lý, chức năng nhiệm vụ theo quy định trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. 

Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đạo, việc kết nạp đảng viên là tín đồ tôn giáo và việc tham gia sinh hoạt tôn giáo của các đảng viên là tín đồ tôn giáo luôn được các ngành, các cấp địa phương quan tâm, chú trọng. Tỉnh còn tạo điều kiện để các chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia vào các tổ chức, cơ quan đảng, chính quyền các cấp, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có gần 500 chức sắc và tín đồ tôn giáo là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như đã nêu trên, song công tác tôn giáo, tín ngưỡng ở Phú Thọ còn tồn tại, hạn chế nhất định như: Một số địa phương nắm bắt tình hình hoạt động tôn giáo chưa kịp thời, còn có hiện tượng né tránh, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo. Công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cơ chế nguồn lực cho công tác này. Việc nghiên cứu để thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại một số địa phương còn hạn chế, ỷ nại vào chuyên môn cấp trên. Một số tổ chức tôn giáo trực thuộc còn có hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân là do tình hình tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là sự xuất hiện và hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo” đã và đang lôi kéo nhiều người ở địa phương tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trong toàn tỉnh chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu công tác tôn giáo. Sự quan tâm, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền về công tác tôn giáo chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức...

2. Những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Phú Thọ

Thứ nhất, để thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Phú Thọ, cần có sự thống nhất và nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của toàn hệ thống chính trị trên cơ sở thấm nhuần các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo trong tình hình mới. Sự thống nhất về nhận thức chính là cơ sở để triển khai có hiệu quả công tác tôn giáo, tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo và nhân dân thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp ở địa phương đối với công tác tôn giáo, tín ngưỡng là rất quan trọng, đồng thời phải nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp đối với tôn giáo, tín ngưỡng, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong thực hiện công tác tôn giáo, tín ngưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo. 

Thứ hai, khi đề cập đến chính sách tôn giáo, hoạch định chính sách tôn giáo kể cả việc thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng phải xét trong điều kiện chung của tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, phải chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo điều kiện để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức lành mạnh, tích cực, hướng thiện của tôn giáo phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và đời sống xã hội như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đạo thờ Mẫu... Tạo ra sức đề kháng từ trong môi trường xã hội, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập và những quan điểm sai lệch về tôn giáo và chính sách tôn giáo, tín ngưỡng.

 Thứ ba, trong việc triển khai thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng cốt cán trong các vùng tôn giáo, tín ngưỡng trọng điểm. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII và Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã khẳng định, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, công tác đối với con người. Điều đó có nghĩa là, quần chúng nhân dân lao động có một vai trò, vị trí hết sức quan trọng, quyết đinh sự thành, bại của cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước. Vì vậy, công tác vận động quần chúng phải được đặt lên hàng đầu. Yêu cầu của công tác vận động quần chúng là làm cho chức sắc tôn giáo và quần chúng tín đồ tin tưởng vào chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, nhận rõ được âm mưu của địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, để từ đó họ hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới do Đảng bộ và chính quyền địa phương lãnh đạo.

Thứ tư, muốn đạt hiệu quả tốt trong thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng cần phải nắm thật chắc tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, từ đó tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nội dung chính sách một cách “hợp tình, hợp lý”, theo đúng quy định về trình tự, thủ tục hành chính; kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ năm, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh là yếu tố rất quan trọng để làm tốt công tác tôn giáo, đặc biệt là ở vùng đồng bào các tôn giáo. Theo đó, cần phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo, đoàn kết nhân dân ở cơ sở, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Phú Thọ. Hiệu quả của công tác tôn giáo phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Những kết quả tích cực trong công tác tôn giáo ở Phú Thọ những năm qua cho thấy, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo đã góp phần rất quan trọng vào những kết quả đó. 

Tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo theo Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của TTCP phê duyệt đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026”. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này thông qua thực tiễn công tác, trong đó chú trọng việc khuyến khích họ học tiếng dân tộc thiểu số, đi thực tế ở vùng đồng bào các tôn giáo có nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, qua đó giúp họ thêm gần gũi, gắn bó, hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động có hiệu quả, được đồng bào tin tưởng, yêu mến. 

Để thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong điều hành, quản lý các hoạt động tôn giáo ở địa phương, gắn trách nhiệm về trật tự, an toàn trong hoạt động tôn giáo với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tôn giáo thực hiện việc đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm và các thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo. Phối hợp giải quyết kịp thời các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân các tôn giáo, giám sát, ngăn chặn những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, hoạt động chống phá của các phần tử cực đoan đội lốt tôn giáo, giữ vững sự ổn định tình hình hoạt động của các tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng tôn giáo”… Cùng với đó là việc tăng cường phổ biến những bài học kinh nghiệm thực tiễn về kết quả thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng trên quê hương Đất Tổ.

ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga

 

ThS. Nguyễn Việt Hà

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, Ban Tôn giáo: Báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo  năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, số 138/BC-UBND, ngày 28/11/2022: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

 

 

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
Tạo sự đồng thuận phấn đấu Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025
Phát huy tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn
Kinh nghiệm trong chuyển đổi số ở tỉnh Phú Thọ
Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh tiếp tục phát huy sức sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sinh hoạt chuyên đề
Khối thi đua các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Phú Thọ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
Bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
Tìm hiểu quan điểm về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa 13
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi - Thực tiễn tỉnh Phú Thọ
Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn trong giai đoạn mới
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất