Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  5
Hôm nay :  2373
Hôm qua :  2695
Lượt truy cập : 4362637
Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam
9 10 1233

Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam

Thứ hai, 26.06.2023 00:38




Hệ thống chính trị (HTCT) là tổng thể các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của một quốc gia, được luật pháp thừa nhận, có chức năng thực hiện (hoặc tham gia thực hiện) quyền lực chính trị, trước hết là quyền lực nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của xã hội. HTCT có chức năng: là cấu trúc và cơ chế thực thi quyền lực chính trị, trong đó trung tâm là quyền lực nhà nước đối với xã hội.

     Xét về cấu trúc HTCT, có hai loại chủ yếu: Loại cấu trúc “cứng”, trong đó các đảng chính trị, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội được cấu trúc thành một hệ thống chỉnh thể, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau được luật pháp chế định; Loại cấu trúc “mềm”, trong đó các đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội không gắn kết với nhau thành một hệ thống tổ chức cứng. Có những nước quan niệm HTCT chỉ bao gồm các đảng chính trị và nhà nước, không bao gồm các các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc chỉ coi đó là những đối tác hoạt động.

     HTCT ở Việt Nam được nhận thức và tổ chức theo loại cấu trúc “cứng”, bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam (đảng duy nhất cầm quyền), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. HTCT ở Việt Nam vận hành theo cơ chế tổng thể là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; trong đó Đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với Nhà nước và xã hội, Nhà nước là trung tâm của HTCT, Nhân dân là chủ thể của quá trình phát triển. 

     HTCT nước ta có những đặc điểm chủ yếu sau:

     Thứ nhất, một đảng duy nhất lãnh đạo - cầm quyền; chuyển từ vị trí cao nhất trong HTCT sang vị trí là “hạt nhân lãnh đạo chính trị” đối với HTCT.

     Thứ hai, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

     Thứ ba, tổ chức bộ máy của HTCT được tổ chức theo mô hình “cứng”, gồm ba phân hệ Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, có tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương xuống cơ sở. 

     Thứ tư, HTCT đang trong quá trình chuyển từ “hệ thống chuyên chính vô sản” thiên về trấn áp, bảo vệ sang xây dựng HTCT thực hiện đồng thời cả 02 chức năng trấn áp, bảo vệ và kiến tạo, xây dựng, hoạt động trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là trung tâm.

     Đánh giá về tổ chức bộ máy của HTCT nước ta, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã nêu khái quát như sau: “Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn”.

     Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ “Tổ chức bộ máy của HTCT vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã”; “Nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao”.

     Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”…

     Những vấn đề trên đặt ra cần phải có bước đổi mới căn bản mô hình tổ chức bộ máy HTCT, gắn liền với đó là đổi mới và hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của cả HTCT nói chung và của từng phân hệ nói riêng, nhằm đáp ứng với yêu cầu cao của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

     Là một cấu trúc của xã hội, trong quá trình hình thành, phát triển, HTCT chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó trực tiếp và quan trọng nhất là:

     Thứ nhất, trình độ phát triển của về mọi mặt, nhất là trình độ phát triển về kinh tế - xã hội. Sự phát triển của xã hội vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu của sự lãnh đạo, quản lý của HTCT. Khi trình độ phát triển ngày càng cao, càng hiện đại, cấu trúc tổ chức của HTCT phải điều chỉnh để đáp ứng với yêu cầu phát triển mới.

     Thứ hai, sự phát triển của khoa học lãnh đạo, khoa học quản lý và khoa học công nghệ được sử dụng trong HTCT, dẫn đến phải điều chỉnh, cải cách tổ chức bộ máy của HTCT theo hướng tinh gọn, phù hợp, hiệu quả hơn.

     Thứ ba, cấu trúc của HTCT theo cấu trúc “cứng” hay cấu trúc “mềm”.

     Mô hình tổ chức quyền lực nhà nước ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với HTCT. Tổ chức bộ máy của các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là những vấn đề cần làm rõ trong quá trình hoàn thiện tổng thể mô hình HTCT ở nước ta.

     Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của HTCT. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của HTCT. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm". Trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy HTCT trong giai đoạn mới, cần đảm bảo một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:

     Một là, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo thống nhất và toàn diện đối với HTCT, đồng thời là Đảng cầm quyền. 

     Hai là, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền được nêu trong Cương lĩnh của Đảng và được quy định trong Hiến pháp 2013.

     Ba là, đảm bảo HTCT hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao nhất vai trò chủ thể của nhân dân - quyền làm chủ của nhân dân.

     Bốn là, tôn trọng, bảo vệ và phát triển các lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

     Năm là, tạo động lực và cơ chế huy động mọi nguồn lực, phát huy mọi năng lực sáng tạo cho sự phát triển nhanh và vững bền của đất nước trong bối cảnh và điều kiện mới.

     Sáu là, tài chính, tài sản của các tổ chức trong hệ thống chính trị do ngân sách nhà nước cấp là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tài chính, tài sản của các tổ chức trong hệ thống chính trị phải được quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

     Với những cách tiếp cận và nguyên tắc như trên, xin nêu một số định hướng hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của HTCT như sau:

     Thứ nhất, tiếp tục phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo - cầm quyền của Đảng (và các tổ chức đảng cụ thể), chức năng, nhiệm vụ quản lý - quản trị của Nhà nước (và các tổ chức nhà nước cụ thể), chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp, để trên cơ sở đó xây dựng tổ chức bộ máy HTCT từ Trung ương xuống cơ sở theo hướng Đảng tập trung vào nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền, thực hiện chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị; Nhà nước thực hiện chức năng pháp quyền, nâng cao năng lực thể chế hóa nội dung lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý nhà nước; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đúng chức năng chính trị - xã hội của mình; “tích hợp” những chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tương đồng trong HTCT; loại bỏ các khâu trung gian không hợp lý, khắc phục tình trạng hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng, của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có những đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng chạy dọc từ trung ương xuống cơ sở, cùng với đó là hệ thống các đơn vị tham mưu, giúp việc, hậu cần kèm theo.

     Thứ hai, cần phân định rõ chức năng lãnh đạo - cầm quyền của từng cấp ủy đảng, tổ chức đảng gắn hữu cơ với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy của đảng trong HTCT tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục sự trùng lắp không hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy giữa Đảng và Nhà nước.

     Thứ ba, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tổng hợp - đa ngành - đa lĩnh vực phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu xây dựng nhà nước hiện đại. Cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo, chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Xem xét kỹ điều kiện và cơ sở thực tiễn ở từng địa phương để đẩy mạnh việc sáp nhập các đơn vị hành chính các cấp (tổ dân cư, thôn, xã, phường, quận, huyện, tỉnh…). Trên cơ sở đó, chế định rõ cấu trúc mô hình chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp, hiệu quả.

     Thứ tư, đối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phân định rõ hai chức năng: Chức năng chính trị chung của các tổ chức này tham gia nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; và chức năng, nhiệm vụ hoạt động xã hội, xã hội - nghề nghiệp riêng của từng tổ chức vì lợi ích của các thành viên theo cơ chế tự nguyện, tự chủ, tự quản. Vì vậy, cần nghiên cứu tích hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị chung của các tổ chức này trong HTCT từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Còn chức năng hoạt động mang tính xã hội, xã hội - nghề nghiệp được tổ chức theo cơ chế tự nguyện, tự chủ hoàn toàn theo luật và theo điều lệ của từng tổ chức.

     Thứ năm, trên cơ sở xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy HTCT tinh gọn, phù hợp về chức năng và nhiệm vụ từ Trung ương xuống cơ sở, nghiên cứu thực hiện “nhất thể hóa” (không phải là kiêm nhiệm) một số chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý của cơ quan nhà nước. Đương nhiên phải có chế định pháp lý rõ trong quá trình thực hiện từng chức năng cụ thể.

     Thứ sáu, nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định mới chuẩn hóa về tổ chức, bộ máy và biên chế chung của HTCT, đồng thời, phù hợp với những nhiệm vụ, đặc điểm và tính chất hoạt động của hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở từng cấp, từng lĩnh vực. Trong mỗi tổ chức, đơn vị, cũng như mỗi vị trí công tác đều phải xác định rõ và đồng bộ theo nguyên tắc “rõ việc - rõ chức năng nhiệm vụ - rõ tổ chức - rõ người - rõ quyền hạn - rõ trách nhiệm - rõ lợi ích”. Đồng thời, xây dựng đồng bộ cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong cả HTCT và các thiết chế, cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

ThS. Nguyễn Việt Hòa

Trưởng khoa Nhà nước & pháp luật

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn trong giai đoạn mới
Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
Phát huy vai trò của giảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Vận dụng quan điểm về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay
Biện pháp khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị
Sự cảnh báo các căn bệnh trong công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giải pháp cho Đảng ta hiện nay
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đồng thời tập trung cho những “việc khó”
Vận dụng phong cách năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên
Chuyển đổi số gắn với việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn trong thời gian tới
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất