Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch về bình đẳng dân tộc, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 11.09.2023 00:57Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục cải cách, cải tổ, đổi mới để phát triển, phù hợp xu thế chung của thời đại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ bên trong và bên ngoài. Đặc biệt là các luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch chống phá trên các lĩnh vực, trong đó có vấn đề dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc ở nước ta.
Những năm gần đây, ở nước ngoài, các tổ chức FULRO lưu vong như: “Hội những người miền núi” (MFI), “Nhân quyền người Thượng” (MHRO), “Người Thượng thống nhất” (UMP)… ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số; tuyên truyền Đảng và Nhà nước ta chỉ quan tâm và tập trung đầu tư cho dân tộc Kinh, còn các dân tộc thiểu số khác không được quan tâm hoặc nếu có quan tâm thì chỉ mang tính chất hời hợt, đại khái,… Với chiêu bài kích động người dân Tây Nguyên đấu tranh đòi thành lập nhà nước độc lập. Trong nước, tàn dư của lực lượng FULRO có dấu hiệu hoạt động trở lại, chúng lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới như “Hà Mòn”, “Bơ khắp Brâu” để truyền bá mê tín dị đoan, kết hợp với tổ chức FULRO ở nước ngoài để tuyên truyền cho người dân tư tưởng “đất Tây Nguyên là của người Thượng, đuổi người Kinh về đồng bằng, vì người Kinh cướp đất của đồng bào trên quê hương của mình”… Chúng tổ chức nhiều vụ đòi đất, biểu tình, bạo loạn, lôi kéo, lừa người dân di cư sang Campuchia,… Cụ thể năm 2001, năm 2002, chúng tuyên truyền, lôi kéo người dân di cư sang Campuchia với tuyên bố sang đó mọi thứ đầy đủ, không phải lo lắng về nơi ăn chốn ở, nhưng khi bà con sang đến nơi thì tất cả đều trống trơn, không như lời chúng tuyên bố. Mới đây nhất, ngày 11/6/2023, chúng lại kích động, xúi giục nhiều thanh niên trẻ, qua không gian mạng, gây chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, gây mất trật tự trên địa bàn và gây tiếng vang ở nước ngoài, đã xả súng tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 04 cán bộ công an hy sinh, hai cán bộ xã và ba người dân thiệt mạng, hai cán bộ công an xã trọng thương, phá hủy nhiều tài sản của Nhà nước,… Những hành động đó đã gây hoang mang, lo sợ trong nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mục đích mà chúng hướng tới là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những hành động của chúng đã lôi kéo một số người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin, nghe và theo chúng, chống phá Đảng và Nhà nước. Đây là những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, hoàn toàn không có căn cứ lý luận và thực tiễn.
Việt Nam luôn coi trọng quyền bình đẳng dân tộc
Ngay từ thời xa xưa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam là một quốc gia luôn lấy truyền thống đoàn kết đặt lên hàng đầu để chống giặc ngoại xâm, góp phần làm nên chiến thắng kẻ thù xâm lược. Ngày nay, đất nước đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với dân tộc thiểu số, luôn khẳng định và đề cao quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thương yêu, được thể hiện thông qua các kỳ đại hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tôn trọng và giúp nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc”1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ những nhiệm vụ cần chú trọng để thực hiện tốt chính sách dân tộc: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,…”2.
Hiến pháp năm 2013 chỉ rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết… của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”3
Trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội có Hội đồng dân tộc (cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề dân tộc). Trong Chính phủ có Ủy ban dân tộc - cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc. Trong công tác cán bộ, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Trong 04 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng số dân là 14,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 18%, cấp huyện là 20,1%, cấp xã là 22,8% 4.
Dành nhiều ưu tiên, hỗ trợ, giúp đỡ về kinh tế, văn hóa, xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tiễn những năm qua, mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính,… đều bình đẳng về chính trị, các lĩnh vực của đời sống xã hội và trước pháp luật. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Các dân tộc thực hiện tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư với các vùng dân tộc thiểu số. Việc làm, thu nhập, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam, Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ đi học đúng tuổi ở bậc tiểu học đạt 99,6%, trung học cơ sở đạt 89%, trung học phổ thông là trên 50%5. Các chương trình dự án đầu tư phát triển cở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Mục tiêu chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 134, 135… Chính phủ ban hành chính sách Chương trình “bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”, tập trung chủ yếu các nhiệm vụ duy trì, phát triển nâng cao vị thế cho các dân tộc thiểu số ít người. Thực hiện chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc trong tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2,8 triệu người theo tôn giáo là người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt6. Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền địa phương đã thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhiều đến giữ gìn các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số, hệ thống tiếng nói, chữ viết. Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 03 tỉnh (Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai), góp phần quan trọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại những địa phương này.
Bình đẳng là một trong những quyền cơ bản của con người, được luật pháp quốc tế công nhận. Tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên phát triển về mọi mặt, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung của đất nước. Những thành tựu đó là những minh chứng cụ thể trong bảo đảm và thúc đẩy quyền của dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm sự bình đẳng dân tộc, đó là nhiệm vụ lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Khoa Lý luận cơ sở
• Phú Thọ hướng tới thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
• Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Từ tư tưởng cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin đến công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay
• Gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
• Kết quả thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Phú Thọ một minh chứng về sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”
• Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Giáo dục thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước
• Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2018 - 2022
• Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy bài “Lý luận hình thái kinh tế - xã hội”