MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN TỐT HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CỦA HỌC VIÊN TRONG THỜI GIAN TỚI
Thứ sáu, 24.03.2023 04:05ThS. Nguyễn Thị Kim Sự
Phòng QLĐT & NCKH
Hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên có ý nghĩa quan trọng trong việc liên hệ và gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giúp cho học viên có cái nhìn tổng thể hơn, toàn diện hơn về những vấn đề được nghiên cứu, học tập. Thông qua hoạt động đi nghiên cứu thực tế, học viên được trang bị thêm những kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở để vận dụng một cách nhuần nhuyễn, tự tin và có phương pháp khoa học để giải quyết các công việc ở địa phương có hiệu quả, từ đó giúp học viên trưởng thành hơn. Mỗi chuyến đi đều là những trải nghiệm, chia sẻ trong công tác, học hỏi thêm những mô hình kinh nghiệm và hiểu biết thêm về những kiến thức văn hóa, lịch sử. Điều giá trị hơn nữa là sự kết nối, gắn bó giữa các học viên trong lớp, giữa thầy và trò, giữa nhà trường với địa phương, chia sẻ với những địa phương còn khó khăn, sự thân thiện trong văn hóa ứng xử, giao tiếp, những tình cảm và sự trân trọng của địa phương, cơ sở dành cho cán bộ, giảng viên học viên nhà trường.
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thực hiện nghiêm túc Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức các chuyến tham quan, nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp với nhiều địa điểm khác nhau, các địa điểm cơ bản phù hợp với các loại hình lớp và đối tượng học viên, đã đạt được những kết quả nhất định. Tính riêng năm 2022, mặc dù quý 1 của năm tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng từ quý 2/2022 trở đi nhà trường đã tổ chức đưa khoảng 2.000 học viên của lớp đi tham quan nghiên cứu thực tế, tính đến tháng 3/2023, đã đưa hơn 300 học viên đi thực tế tại Khu K9, Đá Chông Sơn Tây, Hà Nội. Việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế là hoàn toàn phù hợp với phương châm “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn” và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của học viên. Nghiên cứu thực tế là cơ hội và điều kiện tốt để học viên được thâm nhập thực tiễn, được tìm hiểu một cách sâu sắc về thực tế các mô hình, điển hình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, cơ sở. Đặc biệt, qua nghiên cứu thực tế giúp học viên có thêm những tư liệu, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý cần thiết và không thể thiếu được phục vụ cho việc viết bài thu hoạch, thi hết phần học; viết khóa luận thi tốt nghiệp và bổ sung thêm kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở sau này.
Tuy nhiên, địa điểm nghiên cứu thực tế chưa thực sự đa dạng, nghiên cứu còn trùng lặp; công tác tham mưu của cán bộ được giao nhiệm vụ đưa học viên đi nghiên cứu thực tế còn hạn chế; ý thức, trách nhiệm của số ít học viên trong việc tham gia đi nghiên cứu thực tế chưa cao, chưa có sự tìm tòi trước khi về địa phương, cơ sở để nghiên cứu thực tế . Việc nghiên cứu thực tế của một số lớp vẫn còn mang tính tham quan, hạn chế về trao đổi, học tập kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm có giá trị thực tiễn cao.
Từ tình hình nghiên cứu thực tế của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian qua, cần thực hiện tốt một số giải pháp:
Thứ nhất, về phía nhà trường:
Một là, Ban Giám hiệu chỉ đạo các khoa, phòng có trách nhiệm lên kế hoạch cụ thể, báo cáo tình hình cụ thể, chi tiết để chủ động trong công tác. Có kế hoạch phân công công việc cụ thể cho các khoa, phòng và các cá nhân. Cần tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên.Chú trọng tăng cường phản hồi thông tin với địa phương, cơ sở nơi nghiên cứu; quan tâm, chỉ đạo việc đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu thực tế. Ngoài việc đến địa phương nghiên cứu trực tiếp, trường có thể đề xuất với cấp trên, cơ quan phối hợp mở lớp cần có sự chuyển hướng địa điểm nghiên cứu thực tế sang các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc ra ngoài tỉnh.
Hai là, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học cần chủ động lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho quá trình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Chủ động liên hệ với cơ sở, nơi đưa học viên đến thực tế, để họ có sự chuẩn bị đón tiếp, hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế; chủ động tham mưu về phương tiện đi lại, ăn uống, sinh hoạt cho học viên tạo ra sự thoải mái nhất cho các thành viên trong đoàn khi tham gia.
Ba là, đối với giáo viên chủ nhiệm của lớp thì trước khi tiến hành đi nghiên cứu thực tế cần phải làm việc với lớp, hướng dẫn học viên cách thức chọn chủ đề và cách viết báo cáo nghiên cứu thực tế. Quán triệt các nội dung đi nghiên cứu thực tế, việc chấp hành thời gian, giờ giấc, địa điểm tập trung. Trong quá trình đi nghiên cứu thực tế giáo viên chủ nhiệm cần bám sát lớp, phối hợp với Ban cán sự lớp để theo dõi, nắm tình hình và xử lý những tình huống phát sinh khi xảy ra. Đảm bảo cho chuyến đi được an toàn, thuận lợi và đạt hiệu quả cao, có ý kiến, tham mưu kịp thời với trưởng đoàn khi có vấn đề phát sinh.
Thứ hai, về phía học viên:
Một là, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với hoạt động nghiên cứu thực tế. Trong quá trình đi nghiên cứu thực tế học viên phải thực sự nghiêm túc tiếp thu kiến thức thực tế để phục vụ học tập và công tác. Trong quá trình làm việc, nghe báo cáo, tham quan các mô hình phát triển kinh tế học viên cần có ý thức tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ các nội dung ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ cơ sở. Khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, mỗi học viên phải nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức hoàn thành bài viết thu hoạch. Trong bài viết học viên cần phải trình bày đầy đủ các nội dung cần thiết theo qui định và rút ra những nhận thức sâu sắc nhất thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế.
Hai là, trong khi đi nghiên cứu thực tế thì học viên cần tuân thủ các quy định của lớp của trường. Chấp hành mọi yêu cầu của lớp và hướng dẫn của giáo viên và địa phương nơi đi nghiên cứu thực tế.
Ba là, trong mọi sinh hoạt, mọi hoạt động cá nhân không để ảnh hưởng tới các thành viên trong đoàn đi nghiên cứu thực tế và địa phương. Có tinh thần cầu thị, học hỏi, biết sử dụng các phương pháp khác nhau trong quá trình thu thập thông tin để thực hiện việc viết báo cáo thực tế.
Bốn là, khi tổ chức đi nghiên cứu thực tế các lớp có thể lồng ghép thêm các chương trình nhân đạo, từ thiện, có một kế hoạch nhỏ như giao lưu, tặng sách vở cho con em vùng khó khăn, ủng hộ về vật chất cho cho bà con nhân dân địa phương ở những nơi khó khăn. Đây là một hành động tuy nhỏ nhưng lại có tác động lan tỏa rất lớn, là sự động viên đối với nhân dân và cả chính quyền địa phương. Sau khi đi nghiên cứu thực tế học viên phải viết bài thu hoạch theo quy định. Báo cáo thu hoạch phải đáp ứng được yêu cầu và tuân thủ theo đúng hướng dẫn.
• CẢM NHẬN TỪ CHUYẾN ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI KHU DI TÍCH THANH NIÊN XUNG PHONG ĐẠI ĐỘI 915 HY SINH TẠI LƯU XÁ
• KẾT QUẢ TỪ CHUYẾN ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI TỈNH NAM ĐỊNH
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TỔ CHỨC CHO CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI THANH HÓA
• LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ HỘI NÔNG DÂN CƠ SỞ THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ THAM QUAN MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẠI HUYỆN THANH THỦY
• LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH KHÓA 4 THAM QUAN NGHIÊN CỨU THỰC TẾ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở ĐỊA PHƯƠNG
• MỘT SỐ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ TRƯỞNG KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ Ở CƠ SỞ NĂM 2022
• LỚP TRUNG CẤP LLCT – HC HUYỆN LÂM THAO KHÓA 5 TỔ CHỨC ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ, VIẾT THU HOẠCH CUỐI KHÓA
• TỔ CHỨC ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CHO HỌC VIÊN LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH KHÓA 20