Xô viết Nghệ - Tĩnh, sự khảo nghiệm đầu tiên trên thực tế về một nhà nước cách mạng ở Việt Nam
Thứ hai, 28.08.2023 07:20Trong bối cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến, bọn đế quốc và phong kiến sử dụng bộ máy thống trị đồ sộ để đàn áp nhân dân, muốn đập tan chính quyền cũ, dựng lên chính quyền công nông, nhất thiết phải dùng sức mạnh của quần chúng. Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tay vào việc vận động, giác ngộ quần chúng xây dựng lực lượng cách mạng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh của quần chúng trong cả nước đã đẩy lên mạnh mẽ, tạo nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Xô viết Nghệ - Tĩnh trở thành ngọn cờ vẫy gọi và nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trên cả nước. Từ ngày 01/5 đến tháng 8/1930, tại Nghệ - Tĩnh đã diễn ra 97 cuộc bãi công và biểu tình của công - nông. Đặc biệt từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/1930 là thời kỳ đấu tranh kịch liệt, diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quy mô huyện và liên huyện với hàng nghìn, hàng vạn dân chúng tham gia và nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Trong hai tháng (tháng 9 và tháng 10/1930), cả nước có 362 cuộc đấu tranh, ngoài những khẩu hiệu kinh tế thông thường, nay đã có nhiều khẩu hiệu chính trị mới - ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sự vùng dậy của quần chúng công nông ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã lật nhào và làm tan dã hệ thống chính quyền thực dân đế quốc ở nhiều thôn xã. Trong tình hình đó, các cấp ủy đảng ở Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đạo các Ban Chấp hành Nông hội đỏ (xã bộ nông) lãnh đạo quần chúng thi hành một số biện pháp đầu tiên của chính quyền cách mạng. Tại đây, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, tự tổ chức, quản lý đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa. Những Xô viết đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện: Xô viết Nghệ - Tĩnh. Các Xô viết đã thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng.
Về chính trị, chính quyền Xô viết phá bỏ bộ máy chính quyền cùng những luật lệ cũ của thực dân phong kiến, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Mọi người được tự do hội họp, thảo luận và góp phần vào công việc chung của xã hội. Các đội “tự vệ đỏ” được thành lập để bảo vệ chính quyền nhân dân, trấn áp các phần tử phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an và chống địch khủng bố.
Về kinh tế, chính quyền Xô viết thi hành những biện pháp tích cực như: tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công đem chia cho dân cày nghèo; bãi bỏ các thứ thuế vô lý như thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối; xóa nợ cho người nghèo và thực hiện giảm tô. Ở một số nơi, chính quyền Xô viết tổ chức đắp đê, đào mương, tát nước chống hạn, tu sửa cầu cống, đường giao thông và tổ chức nhiều hình thức sản xuất để mọi người giúp đỡ nhau.
Về văn hóa, xã hội, quần chúng lao động được hưởng cuộc sống mới. Sách báo và tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi. Việc học chữ quốc ngữ được coi trọng. Thôn xóm nào cũng có lớp học. Phong trào bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội được tiến hành ở khắp mọi nơi. Nhiều hội tương tế, ái hữu... được thành lập. Những nơi thiên tai mất mùa được nơi khác hỗ trợ công sức, tiền của. Người neo đơn, ốm đau, hoạn nạn được xã hội chăm sóc.
Xô viết Nghệ - Tĩnh là kết quả phát triển của cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Điều kiện cơ bản tạo nên bước tiến nhảy vọt của cao trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh là do Nghệ - Tĩnh sớm có một đảng bộ mạnh, xây dựng được khối liên minh công - nông. Nhân dân Nghệ - Tĩnh vốn có truyền thống đấu tranh quật cường, khi có điều kiện, ý chí đó bùng lên mạnh mẽ làm cho chính quyền của thực dân Pháp và tay sai bị tê liệt ở cấp huyện và tan rã ở cấp xã. Các xã bộ nông ra đời được xem là cơ quan hành chính, là đại diện chân chính của nhân dân địa phương.
Mặc dù chính quyền Xô viết chỉ tồn tại ở một số địa phương trong vòng bảy tháng và về tổ chức chưa đạt đến mức hoàn chỉnh nhưng xét về tính giai cấp thì Xô viết Nghệ Tĩnh là công cụ chuyên chính của nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Xô viết Nghệ - Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn do những yếu tố khách quan và chủ quan, song chính quyền Xô viết đã khẳng định trên thực tế tính cách mạng và đúng đắn của một mô hình nhà nước vô sản mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong các văn kiện đầu tiên. Những bài học mà Xô viết Nghệ - Tĩnh để lại về tập hợp sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân... tạo tiền đề để Đảng ngày càng vững mạnh,lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước.
Ngay nay, đất nước ta đang mở cửa, hội nhập hướng đến phát triển lên một tầm cao mới. Chúng ta tin rằng với truyền thống yêu nước, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những thành tựu đất nước ta đã đạt được, cùng tinh thần, khí thế, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ vững bước trên con đường xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương
Khoa Xây dựng Đảng
• Chủ trương điều chỉnh chiến lược cách mạng của Đảng - Nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
• GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN TẠI TỈNH PHÚ THỌ
• ĐƯA NỘI DUNG CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY PHÚ THỌ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN VÀO GIẢNG DẠY
• NẮM VỮNG VÀ VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT CỦA VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CỦA CÁN BỘ VĂN HÓA Ở CƠ SỞ HIỆN NAY
• PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH PHÚ THỌ TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO; KHƠI DẬY Ý CHÍ TỰ LỰC TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG XÂY DỰNG CUỘC SỐNG ẤM NO, HẠNH PHÚC
• KINH NGHIỆM THỜI CƠ TRONG CHIẾN THẮNG 30/4/1975 VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• NGHIÊN CỨU, CẬP NHẬT NỘI DUNG CUỐN SÁCH “MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CNXH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH Ở VIỆT NAM” CỦA TỔNG BÍ THƯ VÀO GIẢNG DẠY PHẦN HỌC ''XÂY DỰNG ĐẢNG''
• VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀO GIẢNG DẠY BÀI “CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG” THUỘC HỌC PHẦN XÂY DỰNG ĐẢNG