Vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào giảng dạy Bài 1 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Thứ năm, 14.03.2024 01:48Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Việc vận dụng Nghị quyết 43-NQ/TW vào giảng dạy Phần học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” là một yêu cầu cần thiết đối với giảng viên khoa Xây dựng Đảng.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” là sự tiếp nối Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 43-NQ/TW nhất là những vấn đề mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực đối với giảng viên khoa Xây dựng Đảng trong quá trình giảng dạy Chương trình Trung cấp lý luận chính trị nói chung và học phần “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” nói riêng.
Học phần“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm 6 bài; cung cấp kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đồng thời nhấn mạnh vị trí, vai trò có tính đặc thù của từng tổ chức đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Bài “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là bài đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với cả phần học. Nội dung bài học nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lấy mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm động lực và điểm tương đồng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khi soạn giảng chuyên đề này; giảng viên cần cập nhật những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 43- NQ/TW, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Ở nội dung Phần 2.2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết 43- NQ/TW nêu 4 quan điểm và xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, năm 2045 và giữa thế kỷ XXI.
Về quan điểm: Nghị quyết 43- NQ/TW tiếp tục bổ sung, phát triển những quan điểm của Đảng đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng qua các kỳ Đại hội Đảng đồng thời cụ thể hóa nội dung về phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong các chủ trương của Đảng mới được ban hành, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quan điểm 1: Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm 2: Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Quan điểm 3: Đề cao phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân”. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Quan điểm 4: Vai trò của cả hệ thống chính trị về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị.
Về mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai: Ở nội dung Phần 3.2. Phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Khi soạn giảng phần này; giảng viên cần cập nhật các nội dung có liên quan ở phần nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 43- NQ/TW.
Nghị quyết khẳng định phải tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội, khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với sản xuất công nghiệp hiện đại. Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự cường và có ý chí, khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có cơ cấu hợp lý; là nhân tố quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển đội ngũ doanh nhân có trí tuệ, có văn hoá kinh doanh, tinh thần dân tộc, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng cống hiến, nêu cao trách nhiệm đối với đất nước, xã hội. Chăm lo xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đồng thời phát huy truyền thống, tiềm năng của phụ nữ; tích cực xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Tăng cường vai trò của cựu chiến binh trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Phát huy uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc. Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, hoà nhập xã hội, đóng góp tích cực cho nước sở tại.
Việc vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW vào soạn giảng Bài 1 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” đòi hỏi mỗi giảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm; tích cực, chủ động nghiên cứu nghiêm túc, nắm bắt đúng đắn và đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết; từ đó, vận dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào từng nội dung cụ thể nhằm nâng cao tính thuyết phục và cập nhật cho bài giảng.
Vận dụng Nghị quyết hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vào giảng dạy lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của giảng viên. Việc cập nhật các Nghị quyết Hội nghị Trung ương vào giảng dạy góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng về lý luận, phong phú về kiến thức thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của khoa Xây dựng Đảng nói riêng và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung./.
ThS. Trần Thị Hải Yến
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
• Vận dụng Hướng dẫn số 05-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị vào giảng dạy
• Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh
• Cập nhật Nghị quyết số 44-NQ/TW vào giảng dạy bài "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"
• Chiến tranh Biên giới phía Bắc – bài học về xác định đối tượng và đối tác cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
• Đảng ta thật là vĩ đại
• Hiệp định Paris 1973 - Bài học về tư duy độc lập, tự chủ của Việt Nam trong ngoại giao
• Hiệp định Paris (27/01/1971) - Cú huých quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam
• Phong trào Đồng Khởi - Bước chuyển mình của cách mạng miền Nam
• Chi bộ khoa Xây dựng Đảng trong việc làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng góp phần xây dựng Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ