Hiệp định Paris 1973 - Bài học về tư duy độc lập, tự chủ của Việt Nam trong ngoại giao
Thứ năm, 25.01.2024 03:32Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, khẳng định đã thể hiện rất rõ quan điểm của Người về tinh thần độc lập, tự chủ và Đảng ta đã vận dụng tinh thần ấy trong suốt chiều dài lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Có thể nói độc lập, tự chủ không chỉ là truyền thống mà còn là nét nổi bật thuộc về bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó. Thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 là một trong những minh chứng rõ nhất.
Sau Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), Mỹ ngày càng dấn sâu vào cuộc chiến ở Việt Nam. Các chiến lược chiến tranh đơn phương, đặc biệt, cục bộ được Mỹ triển khai ồ ạt với vũ khí quân sự tối tân hiện đại nhất lúc bấy giờ đều không đem lại cho Mỹ những thắng lợi như mong muốn. Đầu năm 1967, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đề nghị Tổng thống Johnson ngừng ném bom miền Bắc, ngừng gửi quân sang Việt Nam. Ngược lại, tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự tại miền Nam lại khẳng định có thể “quét sạch” quân miền Bắc và đề nghị gửi thêm quân, vũ khí cho miền Nam. Giữa lúc cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến chưa thống nhất thì thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân giải phóng đã gây tiếng vang lớn, thúc đẩy Mỹ tìm khả năng kết thúc chiến tranh bằng đàm phán hòa bình giữa các bên tham chiến.
Ngày 13/5/1968 phiên đàm phán đầu tiên giữa hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở hai miền, yêu cầu Mỹ rút quân, chấm dứt ném bom miền Bắc, không can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ đòi “có đi có lại”, đưa ra yêu cầu quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam, không tổ chức tấn công vào đô thị, lập lại khu phi quân sự.
Lễ khai mạc cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa và đại diện chính phủ Mỹ tại Paris, ngày 13/5/1968. Ảnh: TTXVN
Từ tháng 6 đến tháng 10, các cuộc họp công khai, tiếp xúc riêng hai bên diễn ra liên tục nhưng vẫn không đạt được sự thỏa thuận. Đến tháng 10, Mỹ đưa ra yêu cầu để chấm dứt ném bom miền Bắc cần chính quyền Việt Nam Cộng hòa tham gia đàm phán. Việt Nam đồng ý nhưng cũng đưa ra yêu cầu hội nghị cần sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Giai đoạn Hội nghị đàm phán 4 bên chính thức mở ra. Danh nghĩa 4 bên nhưng thực chất là giữa hai phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bởi tuy chia phái đoàn độc lập nhưng giữa các phái đoàn với nhau thể hiện rõ hai đường lối, mục tiêu, chiến lược. Suốt 3 năm (1969-1971), đàm phán hầu như dậm chân tại chỗ, lịch sử gọi giai đoạn này là cuộc nói chuyện giữa “những người điếc” bởi mỗi bên đưa ra các quan điểm, lập trường riêng, mặt khác, so sánh lực lượng trên chiến trường, tình hình chính trị Việt Nam và Mỹ, hai bên đều ngầm nhận thấy chưa có khả năng giải quyết vấn đề lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc đàm phán Paris có nguy cơ bế tắc, cố vấn đoàn Mỹ Kissinger tìm kiến giải pháp trung gian thông qua Liên Xô và sau này là Trung Quốc nhằm tác động đến Việt Nam. Đáp lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, quan hệ giữa các nước trong hệ thống XHCN với phương Tây (đứng đầu là Mỹ) đang dần “mềm hóa”, bài học lịch sử từ Hiệp định Giơ ne vơ 1954, sự đáp lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam về nội dung đàm phán, đồng thời cũng thể hiện rất rõ bản lĩnh độc lập, tự chủ của Việt Nam trong vấn đề ngoại giao.
Cuộc đàm phán Paris có chuyển biến từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân hè 1972 của quân giải phóng, Mỹ buộc phải xem xét lại vấn đề tham chiến ở miền Nam, tìm giải pháp xuống thang chiến tranh với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thế danh dự. Khi Hà Nội đưa ra đề nghị hòa bình 10 điểm, xây dựng dự thảo Hiệp định, Mỹ đã chấp thuận. Tháng 10/1972, hai bên thỏa thuận thời gian Mỹ dừng ném bom và thả mìn xuống miền Bắc cũng như thời điểm ký Hiệp định. Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ đã đưa ra nhiều lý do trì hoãn ký và muốn lật ngược tình thế bằng cuộc tập kích 12 ngày đêm trên bầu trời thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố miền Bắc cuối năm 1972. Sự tráo trở của Mỹ đã bị đánh bại bởi cuộc chiến đấu anh dũng quân dân miền Bắc, thế giới lên án, tình hình chính trị nước Mỹ chao đảo bởi các cuộc biểu tình, phản đối chiến tranh Việt Nam, Mỹ buộc dừng ném bom, ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận ký hiệp định.
Như vậy, sau gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris - Hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam với 9 chương, 23 điều đã được ký kết giữa bốn bên.
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam,
tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp, ngày 27/1/1973. Ảnh: TTXVN
Hiệp định Paris là cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, là cơ sở để toàn quân, toàn dân ta đẩy mạnh đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, cả nước vững bước tiến lên xây dựng CNXH.
Hiệp định Paris cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt trong đường lối đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng độc lập, tự chủ. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, sự cạnh tranh giữa các nước lớn có ảnh hưởng to lớn đến cục diện thế giới, Việt Nam luôn đề cao, trân trọng những giá trị hòa bình, tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời đóng góp hết sức vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ trên toàn thế giới.
ThS. Hoàng Thị Phương Thảo
Khoa Xây dựng Đảng
• Phong trào Đồng Khởi - Bước chuyển mình của cách mạng miền Nam
• Chi bộ khoa Xây dựng Đảng trong việc làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng góp phần xây dựng Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ
• Một số nội dung cơ bản của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
• Vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW vào giảng dạy bài 6 “Chính sách xã hội, an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội” thuộc học phần Đường lối, chính ách của Đảng, nhà nước Việt Nam
• Cập nhật Quy định 124-QĐ/TW về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị” vào giảng dạy bài 4 của học phần Xây dựng Đảng
• Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về cán bộ làm công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay
• Trưởng khu dân cư và Trưởng ban công tác mặt trận phối hợp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Phú Thọ
• Một số giải pháp vận dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyên môn các khoa ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ
• Giải pháp nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị