Giải pháp nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị
Thứ ba, 28.11.2023 00:45Giáo dục lý luận chính trị là quá trình truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để thực hiện công tác giáo dục cần có sự đóng góp tích cực của đội ngũ giảng viên, giảng viên không chỉ giảng dạy cho người học mà chất lượng bài học phải mang tính thuyết phục.
Tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị có nghĩa là người giảng viên luôn gắn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với thực tiễn của đất nước và của địa phương, đơn vị. Trong giảng dạy, giảng viên phải phân tích, chứng minh làm rõ, đồng thời tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua bài giảng sinh động bằng sử dụng các phương pháp giảng dạy và hành động của người giảng viên, nội dung lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước lan tỏa, truyền tải đến từng học viên, làm cho lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời trang bị cho học viên những cơ sở khoa học để tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.
Tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị của người giảng viên được thông qua chất lượng từng bài giảng, thể hiện ở chỗ học viên có thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị, hăng hái, tích cực trong trao đổi thảo luận và kết quả vận dụng vào thực tiễn của học viên. Từ những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập, học viên sẽ củng cố niềm tin vào quan điểm của Đảng, Nhà nước từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực vận dụng các nội dung, nguyên lý, quy luật đã được nghiên cứu vào thực tế công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua, về chất lượng giảng dạy lý luận chính trị từng bước được nâng lên. Quá trình giảng dạy giảng viên đã lồng ghép giữa truyền thụ tri thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước với thực tiễn của đất nước, địa phương. Qua đó, giúp người học nâng cao nhận thức lý luận, củng cố lập trường tư tưởng, bồi đắp tình cảm, niềm tin cách mạng; đồng thời từng bước hình thành, hoàn thiện kỹ năng đấu tranh, bảo vệ những giá trị lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Giảng viên giảng dạy đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy là nhằm mục đích cuối cùng là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hay nói “rèn đức, luyện tài” đào tạo nên đội ngũ cán bộ, đảng viên xuất sắc “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay cho tỉnh nhà. Do đó, đội ngũ giảng viên đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để thiết kế bài giảng, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy làm cho bài giảng sinh động hơn, tính thuyết phục của từng bài giảng được tăng cường. Chính vì vậy, tinh thần, thái độ học tập và kết quả vận dụng vào thực tiễn của học viên được nâng lên. Từ những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập, học viên vận dụng các nội dung, nguyên lý, quy luật đã được nghiên cứu vào thực tế công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Bên cạnh ưu điểm, công tác giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể như: Việc giảng dạy của một vài giảng viên chất lượng chưa cao, một số bài giảng còn hạn chế, hoặc chưa gắn kết lý luận và thực tiễn một cách nhuần nhuyễn và tính thuyết phục chưa cao. Thiết kế bài giảng chưa sinh động; phương pháp sử dụng trong giảng dạy đôi khi còn lúng túng, chỉ sử dụng một phương pháp thuyết trình hết sức đơn điệu, không tạo ra được cảm hứng trong giờ học cho học viên…. dẫn đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị còn hạn chế, đôi lúc tạo ra sự khô khan, thiếu sức sống, thiếu sức truyền cảm và khiên cưỡng, gò ép cho người học. Một số học viên, việc vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác còn có những hạn chế nhất định. Điều đó, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị .
Trong thời gian tới, để Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII). Đồng thời, nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tăng cường tính thuyết phục trong dạy lý luận chính trị cho giảng viên
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức cả người dạy và người học. Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa sâu sắc là nhân tố chủ quan của sự hạn chế, thiếu hiệu lực, hiệu quả về tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị. Để tăng tính thuyết phục trong bài giảng, đội ngũ giảng viên trước hết nên cần thiết phải hiểu đúng, hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phải gắn với thực tiễn, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực bản thân mỗi giảng viên. Đây chính là cơ sở tiền đề nâng cao chất lượng hiệu quả, tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, khắc phục những hạn chế về nhận thức của người học.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy
Đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin (4,0), mỗi giảng viên phải chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính thuyết trong bài giảng. Do đó, đòi hỏi giảng viên trước tiên phải có phông kiến thức sâu rộng; phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp; bên cạnh đó, phải căn cứ vào đối tượng học viên (tập trung hay tại chức) để biên soạn giáo án, bài giảng, sử dụng phương pháp cho phù hợp và phải sử dụng thành tạo máy tính, một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp cho giảng viên soạn bài giảng Power Point, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình ảnh hay phim minh hoạ… Làm cho bài giảng lý luận bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục.
Ba là, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên
Nghiên cứu khoa học đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong vệc tăng cường tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị của giảng viên. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải lựa chọn nội dung gắn với bài giảng dạy của mình, từ đó, vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan, vì thế, giảng viên có quá trình tích lũy tri thức phục vụ cho công tác giảng dạy (ngày càng được mở rộng và chuyên sâu)
Nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là nâng cao kiến thức hiểu biết về tình hình chính trị, xã hội của đất nước và địa phương, đơn vị; nắm rõ quá trình hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung và ở cơ sở riêng; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và sự hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội…Chính vì vậy, người giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu để củng cố, hoàn thiện, bổ sung kiến thức thực tiễn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Điều này, có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: Nghiên cứu thông qua tìm hiểu các văn bản, báo cáo của các ban ngành đoàn thể; cập nhật thông tin thực tiễn thông qua mạng internet trong những trang điện tử “chính thống” của cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội. Đồng thời, giảng viên có thể nâng cao kiến thức thực tiễn bằng nêu những vấn đề gợi mở và đàm thoại thông qua việc đưa ra tình huống để học viên dùng thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân để giải quyết.
Đặc biệt đi nghiên cứu thực tế hàng năm (theo quy chế giảng viên) để nắm tình hình, địa phương/ cơ sở. Nội dung nghiên cứu thực tế cần phải hướng vào nội dung các chương trình giảng dạy của Trường hoặc là thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học, bao gồm: Tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương/đơn vị; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở; kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng điều hành của cán bộ chủ chốt; kỹ năng xử lý và giải quyết tình huống đối với những vấn đề ở cơ sở; kết quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã - hội kinh nghiệm và bài học xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Bốn là, tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống và phong cách cho đội ngũ giảng viên
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính nói riêng, vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên giữ vị trí quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên”(1). Nếu bản thân giảng viên không thường rèn luyện đạo đức, lối tác phong có biểu hiện “tự cao, tự đại”…đã vô tình tạo ra những khoảng cách đối với học viên … giảng viên sẽ không nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của học viên và thông qua qua học viên để biết được chất lượng và tính thuyết phục của bài giảng của mình. Chính vì vậy, giảng viên cần gần gũi với học viên, thông qua trực tiếp trao đổi với học viên lớp và giờ nghỉ để học viên đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; Giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng của mình đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh, bổ sung; lời nói, diễn đạt và hình thể rút kinh nghiệm và sửa chữa.
Nâng cao chất lượng tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cấp tỉnh nói chung và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, trong đó vai trò trách nhiệm của đội ngũ giảng viên là trên hết, trước hết. Mỗi người giảng viên cần nâng cao hơn nữa tình yêu nghề, trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi bài giảng dẫn dắt, định hướng và tạo cảm hứng cho học viên, niềm tin, lý tưởng và trách nhiệm của người đảng viên cộng sản. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở nói chung ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, đòi hỏi nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy - Ban Giám hiệu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên Nhà trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, NXB Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, tr .235-236.
ThS GVC Nguyễn Thị Thúy Hồng
Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
• 93 năm ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2023)
• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tiên phong gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu
• 106 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (07/11/1917 - 07/11/2023) - Những bài học giá trị sống mãi với thời gian
• Từng bước hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn
• Phát huy vai trò Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
• Kỷ niệm 112 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911-10/10/2023) - nhà ngoại giao tài ba của cách mạng Việt Nam
• Kỷ niệm 83 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, tiếng súng báo hiệu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam
• Các yếu tố ảnh hưởng tới xây dựng và sử dụng bộ tài liệu hỏi đáp trong giảng dạy học phần “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”
• Nam Bộ kháng chiến – bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc