GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA BẢN “ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM” ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Thứ năm, 13.04.2023 13:09ThS. Hoàng Thị Phương Thảo
Khoa Xây dựng Đảng
Cách đây 80 năm (1943), cùng với sự cần thiết chuẩn bị tiền đề về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng phục vụ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương cần có sự chuẩn bị cả trên lĩnh vực văn hóa để chống lại chính sách văn hoá phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan lúc bấy giờ. Bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 02/1943.
Bản “Đề Cương hóa Việt Nam” đã vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên những nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đồng thời, đề cương văn hóa vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, 03 nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và Đề cương văn hóa Việt Nam (Nguồn: dangcongsan.com.vn)
Cùng với lập trường, lý luận khoa học mácxít về văn hóa, bản Đề cương còn là sự bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào cách mạng kể từ sau khi thành lập. Bản Đề cương đã tạo nên sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước.
Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của 15 năm đấu tranh giành chính quyền, bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã góp phần quan trọng thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm giành độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam. Với chủ trương: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận; văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành và giữ nước, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân lao động, cống hiến tài năng và sức lực của mình cho cách mạng. Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý như: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi... văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”1, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh”2, “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân”3, “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”4... thực sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mới- nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa thành quả từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa - tư tưởng ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống; thiết chế văn hóa, xây dựng các hệ giá trị mới. Từ yêu cầu thực hiện 03 nguyên tắc “dân tộc hóa”, “khoa học hóa”, “đại chúng hóa” trong cuộc vận động văn hóa thời tiền khởi nghĩa, Đảng ta đã bổ sung, phát triển thành các thuộc tính “nhân dân”, “nhân văn” và “dân chủ” của nền văn hóa để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế... Những tư tưởng bổ sung, dần hoàn thiện ấy được Đảng thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) với chủ trương để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đã 80 năm trôi qua, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, sự đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, phương hướng của bản Đề cương, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh giao lưu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới - nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.3, tr.596.
- Dẫn theo bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.12, tr.497.
- Dẫn theo bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội, ngày 24/11/2021.
• PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG Ở TỈNH PHÚ THỌ
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 28-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG” TRONG SOẠN GIẢNG BÀI “CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG''
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 28-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG" VÀO SOẠN GIẢNG BÀI “MTTQ VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC"
• CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ 1 NĂM 2023
• CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA LĨNH VỰC KINH TẾ GÓP PHẦN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VÀO THỰC TIỄN TỈNH PHÚ THỌ
• HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HUYỆN TAM NÔNG THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO PHỤ NỮ NĂM 2022
• PHÚ THỌ TIẾP TỤC THỰC HIỆN TỐT PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO”
• “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN” VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
• TÌM HIỂU MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2022