Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  3
Hôm nay :  2268
Hôm qua :  2255
Lượt truy cập : 4539405
Đền Hùng - Cội nguồn dân tộc
9 10 724

Đền Hùng - Cội nguồn dân tộc

Thứ sáu, 19.04.2024 02:24




“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã in sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân đất Việt, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hằng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch, những người con Lạc cháu Hồng dù ở trong nước hay nước ngoài đều nô nức hướng đến Giỗ Tổ Hùng Vương; triệu trái tim hướng về vùng đất cội nguồn ở xã Hy Cương - Thành phố Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công lao lập nước của các đời vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt.

Với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, Đền Hùng đã được xếp hạng là Khu di tích quốc gia đặc biệt; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, nơi đây hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. 

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn); thuộc đất Phong Châu, vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang hàng ngàn năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hội tụ khí thiêng sông núi. Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc:

https://nbca.gov.vn/wp-content/uploads/2023/10/den-hung-770x367-1.jpg

Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Ảnh: http://baophutho.vn

Cổng đền: Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

Đền Hạ: Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền. Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.

Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng; hiện nay đặt bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc. Lời nói của Bác như lời hiệu triệu và kết tinh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc của những người chung một dòng dõi Lạc Hồng cùng nhau bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước.

Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian).

 Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu): Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày. Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa. 

Đền Thượng và Lăng Hùng Vương: Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. 

Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). 

Bên phía tay trái Đền Thượng có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay. 

Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. 

Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh): Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung.

Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

Cùng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng, mỗi người con đất Việt có thể đến thắp hương, tri ân công đức của tổ tiên tại Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và  Đền Tổ mẫu Âu Cơ

 Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân: Được xây dựng tại đồi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km, nơi có vị trí đắc địa, có thế "sơn chầu thuỷ tụ". Đồi Sim có hình thế giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Ngôi đền toạ lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng huyền diệu. Đền chính có diện tích 210m2, kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, nội thất bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Hậu cung đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân dáng vẻ uy nghiêm. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình kiến trúc, các họa tiết trang trí được mô phỏng theo hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như: hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim lạc... thể hiện sinh động, độc đáo mang nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền tôn thêm sự trang trọng, linh thiêng.

Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu. 

Có thể khẳng định, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, để tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng. Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành hiệu quả của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành và các địa phương; tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thành công Lễ Giỗ tổ Hùng Vương đảm bảo trang nghiêm, thành kính, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân Việt Nam khi hành hương về Đất Tổ. Điều đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa; góp phần xây dựng Việt Trì trở thành “Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”./. 

* Tài liệu tham khảo:

Bài viết có trích nguồn theo cuốn "Ngọc phả Hùng Vương" lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Nguyễn Mạnh Dũng

                                                                            Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
CUỐN SÁCH PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TA NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH, VĂN MINH, HẠNH PHÚC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ TÀI LIỆU QUÝ TRONG SOẠN, GIẢNG
Vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào giảng dạy Bài 1 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là động lực phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 45/NQ-TW khóa XIII
Vận dụng Hướng dẫn số 05-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị vào giảng dạy
Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Cập nhật Nghị quyết số 44-NQ/TW vào giảng dạy bài "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"
Chiến tranh Biên giới phía Bắc – bài học về xác định đối tượng và đối tác cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Đảng ta thật là vĩ đại
Hiệp định Paris 1973 - Bài học về tư duy độc lập, tự chủ của Việt Nam trong ngoại giao
Hiệp định Paris (27/01/1971) - Cú huých quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất