Yêu cầu cơ bản với bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số
Thứ ba, 27.02.2024 06:34Việc xây dựng bài giảng trong chương trình bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số cần được xây dựng và thực hiện đảm bảo tuân thủ những yêu cầu nhất định.
Thứ nhất, chuẩn hóa về cấu trúc, nội dung
Các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số phải chính xác, khoa học, logic trong từng bài và có sự liên kết chặt chẽ với các bài giảng khác trong và ngoài chương trình bồi dưỡng nhằm đạt được mục tiêu bài giảng ở mức cao nhất.
Về cấu trúc, bài giảng trên nền tảng số phải rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất giữa các tài liệu số hoá như: Đề cương bài giảng, Slide trình chiếu, các file âm thanh, video….
Bên cạnh đó, trong mỗi bài giảng cần phải đảm bảo đầy đủ kết cấu bao gồm: Phần giới thiệu, phần nội dung chính của bài (tên bài, các mục, tiểu mục; nội dung chi tiết của từng mục, tiểu mục, câu hỏi thảo luận, câu hỏi ôn tập, câu hỏi kiểm tra, tài liệu học tập từng chuyên đề) và phần kết luận.
Về nội dung, để đảm bảo yêu cầu chuẩn hoá, các kiến thức trong bài giảng chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương được xây dựng và thực hiện trên nền tảng số cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Một là, tính mục tiêu: Nội dung mỗi bài giảng trên nền tảng số cần hướng tới đạt được mục tiêu đặt ra đối với người giảng và người học. Đối với giảng viên, cần xây dựng, thực hiện bài giảng đảm bảo cung cấp những kiến thức cốt lõi nhất của từng bài, hình thành kỹ năng, nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên trong việc tích cực vận dụng vào công tác. Mặt khác đối với học viên, bài giảng cần đáp ứng được nhu cầu của người học, giúp họ ứng dụng hiệu quả các kiến thức thu nhận được vào thực thi nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Do vậy, các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số cần đảm bảo trang bị, cập nhật đầy đủ những kiến thức cốt lõi về hành chính nhà nước như: Nhà nước trong hệ thống chính trị; tổng quan về hành chính nhà nước; công vụ, công chức; đạo đức công vụ; thủ tục hành chính; tổng quan về quản lý tài chính, tài sản trong cơ quan nhà nước; tổng quan quản lý nhà nước theo ngành, lãnh thổ; Đồng thời bồi dưỡng cho học viên những kỹ năng cần thiết như: Thu thập, xử lý thông tin; soạn thảo văn bản quản lý hành chính nhà nước; lập, quản lý hồ sơ; giao tiếp hành chính; thuyết trình; làm việc nhóm; quản lý thời gian; làm việc trong môi trường số để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đặc biệt là giúp học viên hình thành được kỹ năng phân tích và giải quyết tình huống trong hành chính nhà nước.
Hai là, tính khoa học: Các kiến thức trình bày trong mỗi bài giảng trong chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương trên nền tảng số cần chính xác, không được trái với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của nhà nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khác về nội dung tài liệu, bài giảng điện tử theo quy định, cụ thể là: Không vi phạm các quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009; Trích dẫn phải ghi rõ nguồn tài liệu, học liệu tham khảo; nội dung chính xác, đáp ứng đúng trọng tâm, liên hệ thực tiễn, tính tương tác cao,...; Hình ảnh, âm thanh sắc nét; kết hợp tốt giữa các yếu tố âm thanh, hình ảnh, hiệu ứng, nghe, nhìn, thao tác. Bên cạnh đó cần có sự phù hợp giữa hệ thống kiến thức lý luận và thực tiễn trong bài giảng. Những tri thức trong các bài giảng, nhất là các chuyên đề Báo cáo trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương cần phải được kiểm chứng và công nhận, bởi lẽ trong thực tế, nội dung của các chuyên đề báo cáo trong bộ Tài liệu chuyên viên chỉ mới được xây dựng ở mức sơ bộ. Việc kiểm chứng và công nhận những kiến thức đó sẽ đảm bảo sự chính xác, khách quan và khoa học của bài giảng trong chương trình chuyên viên và tương đương trên nền tảng số, từ đó phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác.
Với hệ thống câu hỏi thảo luận, trao đổi, ôn tập, kiểm tra, đánh giá: Các câu hỏi ôn tập ở cuối mỗi bài giảng phải phát huy tính tích cực, độc lập của người học qua hệ thống câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề; Những câu hỏi thảo luận phải hướng học viên tập trung vào mục tiêu học tập, ghi nhớ kiến thức và chuẩn bị cho bài kiểm tra hết phần, tạo sự sôi nổi, thu hút học viên tham gia làm việc nhóm để phát huy trí tuệ tập thể. Câu hỏi kiểm tra thể hiện qua một số loại câu hỏi phổ biến như: Câu hỏi nhiều lựa chọn (câu hỏi trắc nghiệm); Câu hỏi Đúng - sai; Câu hỏi Dạng matching; Câu hỏi Điền vào chỗ trống; Câu hỏi có câu trả lời ngắn; Câu hỏi có câu trả lời/bài luận dài… nhằm đánh giá sự thu nhận kiến thức của học viên sau mỗi bài giảng, giúp học viên cảm nhận được sự nhìn nhận, đánh giá và sự hướng dẫn của giảng viên, từ đó hoàn thiện quá trình học tập, nghiên cứu của bản thân.
Ba là, tính gợi mở: Các bài giảng phải được thiết kế đảm bảo tính mở, nội dung phải có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, gắn với công tác của học viên để học viên hình thành những kiến thức, kỹ năng hiện đại, phù hợp nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất công việc của ngạch chuyên viên và tương đương. Do đó, trong quá trình xây dựng, thực hiện bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, bên cạnh việc tập trung vào những nội dung chính của bài giảng, giảng viên cần quan tâm định hướng, gợi mở cho học viên những vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, cập nhật giúp học viên nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn của bản thân trong hoạt động thực thi công vụ.
Kết quả của sự kết hợp đúng đắn, hợp lý các yêu cầu về tính mục tiêu, tính khoa học và tính gợi mở giúp nội dung bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ, năng lực của học viên và phù hợp với mục tiêu, kiến thức, kỹ năng đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương.
Ngoài ra, hình thức của các bài giảng cần đảm bảo sự thống nhất, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt trình tự xây dựng, cách thức thực hiện bài giảng để đảm bảo tính khoa học, chính xác, logic và đồng bộ trong hệ thống các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương.
Với các tri thức được chuẩn hoá trong từng bài giảng cùng sự nghiên cứu, cập nhật, trao đổi thông tin, kiến thức mới thường xuyên giữa giảng viên và học viên trên nền tảng số sẽ diễn ra dễ dàng hơn trong môi trường thuận lợi, giúp thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian, từ đó phát triển nhanh về nhận thức và tư duy. Bên cạnh đó, các tri thức từ giảng viên chuyển tải đến đối tượng học viên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ hơn.
Thứ hai, hấp dẫn và chuyên nghiệp
Một trong những yếu tố quan trọng giúp bài giảng thực hiện trên nền tảng số thành công đó là bài giảng phải hiện đại, đảm bảo tính hấp dẫn cao. Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi bài giảng chuyên viên và tương đương trên nền tảng số vừa tập trung vào việc truyền đạt thông tin một cách hấp dẫn thông qua định dạng sáng tạo như tương tác, video làm việc nhóm, v.v…, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người học, tạo ra sự hứng thú và khơi gợi khả năng tiếp thu bài giảng; vừa giữ được tính tương tác cao thông qua trao đổi giữa giảng viên và học viên nhờ cập nhật công nghệ đa phương tiện.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức và các kỹ năng trong khóa học, bài giảng chuyên viên và tương đương trên nền tảng số cần thể hiệu sự chuyên nghiệp, hiện đại của trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong việc bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của đất nước. Thông qua các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng chuyên viên, nhà trường có cơ hội khẳng định vị thế của mình một cách hiệu quả. Do vậy, chuyên nghiệp cũng là một trong những yêu cầu khi xây dựng, thực hiện bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số.
Sự chuyên nghiệp thể hiện rõ trong phong cách của mỗi giảng viên thực hiện bài giảng cũng như cách thức tiến hành các nội dung giảng dạy. Đối với chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, giảng viên thực hiện bài giảng trong chương trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, có kiến thức, nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, có khả năng sư phạm, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, cập nhật các văn bản, kiến thức mới, tập hợp các bài tập, tình huống điển hình trong thực tiễn để bảo đảm giảng dạy có chất lượng, sát với chức trách, nhiệm vụ của công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
Có thể thấy, việc xây dựng, thực hiện bài giảng trên nền tảng số cung cấp một phương thức linh hoạt, giúp cơ sở đào tạo có thể tái sử dụng tài liệu đào tạo nhiều lần. Việc sử dụng lâu dài các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương trên nền tảng số giúp nhà trường tiết kiệm chi phí (bao gồm việc tổ chức các khóa học, chi phí thuê giảng viên thỉnh giảng, các chi phí khác như địa điểm, di chuyển, in ấn (là những khoản chi đáng kể khi thực hiện hình thức đào tạo truyền thống) và tối ưu hóa nguồn lực.
Việc áp dụng mô hình chuyển đổi số vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là tất yếu khách quan không thể đảo ngược để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, khi xây dựng và thực hiện các bài giảng trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trên nền tảng số, mỗi giảng viên trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cần lưu ý những yêu cầu chuẩn hoá về tri thức, nội dung, cấu trúc bài giảng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, tiết kiệm, từ đó đạt được hiệu quả cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và tương đương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.
ThS Trần Thu Thuỷ
Khoa Nhà nước và pháp luật
• Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Một hướng đi đúng đắn nhằm thực hiện khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ
• Cập nhật quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan công an nhân dân vào giảng bài “Kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế hành chính ở cơ sở”
• Khoa Nhà nước và pháp luật sinh hoạt chuyên môn tháng 1 năm 2024
• Ba mươi năm tuổi Đảng, dấu ấn không thể quên của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
• Những thành tựu nổi bật của đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “Cây tre Việt Nam” trong năm 2023
• Đề xuất một số giải pháp ứng dụng các báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương vào quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ
• Khoa Nhà nước và pháp luật dự giờ giảng viên tại lớp Trung cấp lý luận chính trị B23.06 (huyện Thanh Thủy)
• Khoa Nhà nước và pháp luật tổ chức nghiên cứu thực tế tại cơ sở
• Quy định pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung