Vận dụng quy định mới về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố vào giảng dạy môn “Quản lý hành chính nhà nước”
Thứ ba, 13.06.2023 07:56ThS. Hoàng Văn Bắc
Khoa Nhà nước và pháp luật
I. Giới thiệu một số điểm mới của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 33) của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Nghị định này thay thế 04 Nghị định gồm: Nghị định 144/2003/NĐ-CP, Nghị định 112/2011/NĐ-CP, Nghị định 92/2009/NĐ-CP và Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và một số quy định khác có liên quan. So với các quy định trước đây, Nghị định 33 có nhiều quy định mới về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể:
1. Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã
* Một là, quy định về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức cấp xã:
So với Nghị định 144/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường thị trấn thì Nghị định 33 đã bổ sung thêm nguyên tắc “Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, số lượng và vị trí việc làm của cán bộ, công chức cấp xã” để phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Cán bộ, công chức.
* Hai là, quy định về chức danh công chức cấp xã:
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định 07 chức danh công chức cấp xã. Nghị định 33 đã bỏ chức danh công chức đối với Trưởng Công an xã vì đã bố trí công an chính quy. Như vậy, theo quy định mới thì cấp xã có 06 chức danh công chức.
* Ba là, quy định vềsố lượng cán bộ, công chức cấp xã:
Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định chung số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Loại 1: tối đa 23 người; Loại 2: tối đa 21 người; Loại 3: tối đa 19 ngườivà không có sự phân biệt giữa xã với phường, giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Nghị định 33 đã tách công chức cấp xã thành công chức xã, thị trấn và công chức phường; đồng thời giảm 01 cán bộ, công chức cấp xã, cụ thể: Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người; Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người.
Ngoài việc quy định khung cứng số lượng cán bộ công chức xã, thị trấn và phường thì Nghị định 33 còn quy định điều kiện để tăng thêm cán bộ, công chức như sau: Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức. Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định nêu trên thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 công chức.
* Bốn là, quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp xã:
- Đối với chức vụ Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy cấp xã: Theo quy định tại Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/1/2004 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, thì giới hạn độ tuổi để tham gia giữ chức vụ lần đầu không quá 45 tuổi; về chuyên môn nghiệp vụ chỉ đòi hỏi trình độ trung cấp. Nghị định 33 không giới hạn độ tuổi giữ chức vụ lần đầu, mà chỉ quy định: “Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ”; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp Điều lệ Đảng có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng.
- Đối với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã: Nếu như quy định trước đây chỉ yêu cầu chung là: Đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực công tác mà cán bộ đang đảm nhiệm tương đương trình độ sơ cấp trở lên thì Nghị định 33 quy định trình độ chuyên môn nghiệp vụ phải từ Đại học trở lên. Quy định này vừa phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Theo Nghị định 33 thì khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó (trước đây, theo quy định tại Quyết định 04/2004/QĐ-BNV thì tuổi tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ; Trình độ chuyên môn chỉ yêu cầu trung cấp).
* Năm là, quy định về tuyển dụng công chức cấp xã:
Nghị định 33 kế thừa các quy định trước đây, đồng thời bổ sung đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã: Riêng Đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
* Sáu là, quy định xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã:
Nghị định 33 kế thừa Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về xếp lương cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bổ sung trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp (trước đây theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP thì muốn được xếp lương theo trình độ đào tạo thì cán bộ, công cức phải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về quản lý hoặc sử dụng cán bộ, công chức đồng ý cho đi đào tạo).
* Bảy là, quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã:
Theo Nghị định 33, trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm (Trước đây, theo Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định).
2. Quy định mới về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
Nghị định 33 với rất nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 33 quy định chi tiết chế độ phụ cấp dành cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, tại thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Ba chức danh này được hưởng phụ cấp hàng tháng. Ngoài ra, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố cũng sẽ được hưởng hỗ trợ hằng tháng.
Về mức phụ cấp mới của Trưởng thôn theo Nghị định 33 có thay đổi so với quy định cũ tại Điều 14 Thông tư 03/2019/TT-BNV như sau:
Stt |
Địa bàn áp dụng |
Mức khoán quỹ phụ cấp |
|
Quy định mới |
Quy định cũ |
||
1 |
- Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên/tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên - Thôn, tổ dân phố thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. - Thôn, tổ dân phố thuộc khu vực biên giới, hải đảo - Thôn từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã |
6,0 lần mức lương cơ sở |
5,0 lần mức lương cơ sở |
2 |
Các thôn, tổ dân phố không thuộc trường hợp ở trên |
4,5 lần mức lương cơ sở |
3,0 lần mức lương cơ sở |
3 |
Kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố |
Hưởng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm |
Không quy định |
Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định 33 không chỉ tăng mức khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (từ 1,0 - 1,5 lần tuỳ vào từng địa bàn) mà còn bổ sung thêm hai địa bàn được hưởng mức khoán phụ cấp là 6,0 lần là: Tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; Thôn từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã.
Nghị định 33 cũng quy định, việc tăng hệ số khoán quỹ phụ cấp sẽ áp dụng từ ngày 01/8/2023. Trong đó, mức khoán quỹ phụ cấp căn cứ vào mức lương cơ sở về hệ số. Do đó, mức phụ cấp mới của Trưởng thôn theo Nghị định 33 sẽ căn cứ theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng. Cụ thể, mức khoán phụ cấp dành cho đối tượng này từ ngày 01/8/2023 sẽ như sau:
Stt |
Địa bàn |
Hệ số |
Mức khoán quỹ phụ cấp |
1 |
- Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên/tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên. - Thôn, tổ dân phố thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. - Thôn, tổ dân phố thuộc khu vực biên giới, hải đảo. - Thôn từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã. |
6,0 lần mức lương cơ sở |
10,8 triệu đồng/tháng |
2 |
Các thôn, tổ dân phố không thuộc trường hợp ở trên. |
4,5 lần mức lương cơ sở |
8,1 triệu đồng/tháng |
3 |
Kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. |
|
II. Vận dụng quy định mới về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố vào giảng dạy môn “Quản lý hành chính nhà nước” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị
Theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/1/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Ban hành chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị), môn Quản lý hành chính nhà nước thuộc phần kiến thức về Quản lý hành chính nhà nước và Kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Môn học được thiết kế gồm 9 bài, nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản như: lý luận quản lý hành chính nhà nước; quản lý hành chính nhà nước gắn với các lĩnh vực cụ thể như về cán bộ, công chức, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, hành chính - tư pháp… ở cơ sở; nhiều nội dung kiến thức được biên soạn theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do vậy, yêu cầu cập nhật, bổ sung các quy định mới này vào bài giảng đối với giảng viên là bắt buộc.
Chẳng hạn, Bài 2 (Quản lý cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở) có nhiều nội dung liên quan đến văn bản pháp luật được biên soạn theo quy định cũ. Do vậy, trong từng phần, giảng viên sẽ cập nhật theo hướng so sánh quy định hiện hành và quy định mới để học viên thấy được sự thay đổi như: mục 1.1.2. Công chức (cần chỉ rõ các chức danh công chức cấp xã theo quy định mới); mục 1.3.1. Tuyển dụng cán bộ, công chức (cần cập nhật quy định về tuyển dụng công chức cấp xã); phần 2. Người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở và quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (cần cập nhật các quy định mới về người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, so sánh với quy định cũ để học viên thấy được điểm mới)… Đối với nhiệm vụ quyền hạn của các chức danh công chức cấp xã (Điều 11 Nghị định 33), giảng viên cần cập nhật, bổ sung vào các bài có liên quan về nội dung quản lý, thẩm quyền quản lý theo các lĩnh vực tương ứng.
Nghị định 33/2023/NĐ-CP gồm 04 chương, 40 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023, do đó các quy định bị bãi bỏ hoặc chưa phù hợp với Nghị định này vẫn đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, từ yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn của việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị, các giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu để vận dụng, cập nhật, bổ sung các quy định mới vào từng nội dung kiến thức có liên quan để bài giảng đảm bảo tính thời sự, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với người học.
• NGHIÊN CỨU, TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN
• NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2022, CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/7/2023
• CẬP NHẬT NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI” VÀO GIẢNG DẠY BÀI “LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC”
• CHI BỘ KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ I NĂM 2023
• MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP PHẦN HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NĂM 2023
• MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ NỘI DUNG MỚI TRONG PHẦN QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NĂM 2023
• GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI
• MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
• Tìm hiểu một số quy định mới về hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023