SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG TRONG GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC CỦA KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Thứ tư, 26.01.2022 09:30Ths Nguyễn Việt Hòa
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Thực hiện chủ trương “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng lấy người học làm trung tâm, gắn việc học tập lý luận ở Trường với đời sống xã hội, thực tiễn công tác ở cơ sở; tăng cường quản lý các khâu tự học, tự nghiên cứu, liên hệ, xử lý tình huống…giúp người học hiểu sâu, nắm chắc kiến thức để rèn luyện phương pháp tư duy, cách phân tích xử lý những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” công tác giảng dạy ở các Trường Chính trị cấp tỉnh đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ việc sử dụng các phương pháp giảng dạy truyền thống sang sử dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy tích cực với sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại.
Trong những phương pháp giảng dạy tích cực thì phương pháp tình huống (Case method) là một trong những phương pháp được sử dụng rất phổ biến, thường xuyên và đã không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho người dạy mà còn đem lại không khí hào hứng, phát huy được khả năng tư duy, óc sáng tạo người học. Phương pháp dạy và học bằng tình huống lần đầu tiên được phát triển tại đại học MacMaster ở Hamilton, Canada từ đầu thế kỷ 20. Theo Hammond, J.S - Đại học Havard “Case Study hay còn gọi là Case method là phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình. Ở đây, người học được giới thiệu một tình huống cụ thể, có thật và được đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy”
Phương pháp tình huống có tác dụng khuyến khích học viên phát triển cách tự học, tự nghiên cứu, có khả năng độc lập giải quyết vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Giảng dạy theo phương pháp tình huống đòi hỏi giảng viên phải đáp ứng những yêu cầu cao cả về lý thuyết và thực hành; phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng những tình huống thật cụ thể và mang tính điển hình, có liên quan trực tiếp đến nội dung bài giảng và hướng xử lý vừa bảo đảm đúng các quy định pháp luật hiện hành, vừa phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện thực tế và hài hòa lợi ích của các bên.
Phương pháp tình huống sẽ phát huy tác dụng tốt khi được sử dụng để giảng về các nội dung chi tiết như các quy định của pháp luật, quy trình, thủ tục để thực hiện một công việc, các thao tác cần thực hiện... Đặc biệt là đối với các lớp có đối tượng học viên là những người đang thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nội dung lý thuyết, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tích cực tương tác với giảng viên và các học viên khác. Phương pháp tình huống có thể kết hợp linh hoạt với các phương pháp giảng dạy tích cực khác như phương pháp chuyên gia, làm việc nhóm, hỏi đáp…
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị (2021), khoa Nhà nước và pháp luật được phân công đảm nhiệm giảng dạy 03 môn: Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam; Quản lý hành chính nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, trong đó, môn Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam có 2/4 bài (bài 1,2), môn Quản lý hành chính nhà nước có 2/9 bài (bài 4,5) được xây dựng theo kết cấu: lý thuyết - thực trạng - giải pháp sẽ hơi khó sử dụng phương pháp tình huống hơn, còn lại 18/22 bài của 3 môn học do khoa nhà nước và pháp luật đảm nhiệm đều là các nội dung cụ thể gắn với việc thực hiện các quy phạm pháp luật thực định và các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức nên việc sử dụng phương pháp tình huống là hoàn toàn phù hợp.
Để sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy, các giảng viên cần chú ý một số điểm sau:
Thứ nhất: cần tiến hành thực hiện đầy đủ quy trình các bước cơ bản sau:
Bước 1: Giới thiệu tình huống
Giảng viên cung cấp thông tin, nội dung về tình huống bằng cách phát tài liệu về tình huống qua máy chiếu, giấy khổ lớn, đọc hoặc kể trước lớp học, yêu cầu các học viên đóng vai hoặc nhập vai.
Bước 2: Làm việc độc lập
- Dành thời gian để học viên đọc, tìm hiểu, nắm thông tin định hình bước đầu về tình huống. Tùy theo mục tiêu giảng dạy, độ phức tạp của tình huống và quy mô lớp học mà giảng viên sẽ quyết định thời lượng sao cho phù hợp.
- Giảng viên phải bảo đảm rằng tất cả các học viên đã hiểu rõ về nội dung tình huống. Sau khi tìm hiểu về tình huống, các học viên phải có khả năng mô tả, đánh giá thông tin, tìm ra những thông tin quan trọng hoặc thông tin còn thiếu trong tình huống. Giảng viên cũng có thể đưa ra những chủ đề mới, tạo cơ hội để học viên suy nghĩ rộng hơn nội dung môn học nhằm thu hút sự chú ý và mở rộng phông kiến thức của họ.
Bước 3: Làm việc nhóm
- Tùy từng lớp học cụ thể, học viên có thể được chia ra thành các nhóm để trao đổi tình huống.
- Nêu rõ nhiệm vụ mà nhóm cần phải hoàn thành, thời gian và cách thức làm việc cũng như trình bày kết quả.
- Nhiệm vụ của các học viên khi làm việc nhóm có thể là xác định, mô tả vấn đề; tìm hiểu nguyên nhân cơ bản của vấn đề; các mối quan hệ giữa vấn đề trong tình huống; đề xuất các giải pháp và dự đoán kết quả của giải pháp…
Bước 4: Seminar cả lớp
- Các nhóm trình bày kết quả làm việc nhóm của mình; giảng viên có thể quyết định các trình bày phù hợp dựa vào khả năng về phương tiện vật chất, thời gian cho phép.
- Cả lớp cùng trao đổi, tranh luận về các ý kiến đã trình bày. Sự thành công của hoạt động này sẽ có ý nghĩa quyết định rất lớn đến sự thành công của việc sử dụng phương pháp tình huống.
- Giảng viên có thể chuẩn bị để gợi mở, thúc đẩy hoặc phát triển cuộc trao đổi, tranh luận chứ không chỉ đạo, áp đặt làm giảm tính chủ động sáng tạo, tư duy linh hoạt của học viên.
- Giảng viên cũng cần chuẩn bị tinh thần sẽ gặp những nhóm thiếu nhiệt tình, hoặc không sẵn sàn tham gia. Việc dự đoán các phản ứng của học viên đối với tình huống sẽ giúp giảng viên hình dung cách thức trình bày, đưa ra những câu hỏi hướng dẫn, cung cấp thêm những thông tin bổ trợ để bảo đảm việc trao đổi, tranh luận thành công và kịp thời can thiệp khi các luồng thông tin chệch hướng.
- Khi các học viên trao đổi, giảng viên có thể ghi chép lại, tóm tắt những gì đã đạt được, chưa đạt được, đưa ra những câu hỏi hướng học viên chuyển tới các mục tiêu khác của tình huống.
Bước 5: Tổng kết
- Giảng viên có thể yêu cầu học viên tóm tắt những gì mà họ cho là quan trọng, hoặc hỏi học viên họ đã đạt những kinh nghiệm gì qua tình huống.
- Giảng viên cũng có thể đưa ra tóm tắt của mình về tình huống gồm những thông tin, yếu tố, những vấn đề quan trọng nhất.
Thứ 2: Giảng dạy bằng phương pháp tình huống đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức sâu sắc về lý thuyết và am hiểu rộng về thực tiễn
Có như vậy thì giảng viên mới xây dựng và đưa ra được các tình huống hấp dẫn, vừa đảm bảo phục vụ giảng dạy nội dung lý thuyết, vừa có tính "mới", tính thực tế. Giảng viên cũng chỉ được sử dụng khi đã cung cấp thông tin đầy đủ cho người học; có thể dùng để kiểm tra bài cũ hoặc để khắc sâu kiến thức cho người học ở từng phần nội dung hoặc ở cuối bài; giảng viên cũng chỉ nên đánh giá chứ không nên so sánh tình huống; không áp đặt một chiều, cần tôn trọng ý kiến của học viên; luôn cố gắng rút ra nguyên tắc và bài học sau mỗi tình huống; có thể lấy tình huống có thật hoặc là hư cấu; không nhất thiết phải kết luận sau mỗi tình huống, có thể đưa ra định hướng xử lý, nhưng nếu là vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thì phải có sự khẳng định và giải thích rõ ràng, đầy đủ cho học viên./.
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV 2021
• MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SOẠN GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
• QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ THẨM QUYỀN CỦA CÔNG AN XÃ CHÍNH QUY
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN TRONG THÔNG TƯ 04/2021/TT-TTCP
• NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO NGHỊ ĐỊNH 89/2021/NĐ-CP NGÀY 18/10/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
• KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 CỦA TỈNH PHÚ THỌ
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP CƠ SỞ NĂM 2021
• KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN VỀ NGÔN NGỮ CỦA DÂN TỘC DAO TRÊN MỘT SỐ ĐỊA BÀN VÙNG CAO CỦA HUYỆN YÊN LẬP, TỈNH PHÚ THỌ