NGHỊ QUYẾT MỚI CỦA CHÍNH PHỦ NHẰM ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 2022 TRONG PHẠM VI CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
Thứ hai, 28.02.2022 07:45ThS Trần Thu Thủy
Khoa Nhà nước và pháp luật
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII xác định rõ: xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030. Quyết tâm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP XIII, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022 (sau đây gọi là Nghị quyết số 13/NQ-CP) nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.
Theo đó, ưu tiên trước hết của Chính phủ trong năm 2022: là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung pháp luật, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện tốt những công việc sau:
Thứ nhất, Trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý;
Thứ hai, Đầu tư nguồn lực, thời gian cho hoạt động xây dựng pháp luật, tập trung thực hiện tốt các hoạt động: tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật, tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện, chủ động truyền thông chính sách, đánh giá tác động của chính sách đảm bảo tính khả thi, đồng bộ;
Thứ ba: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo với các cơ quan liên quan, cơ quan thẩm định, thẩm tra nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ trong thời gian tới như sau:
Một là, về Dự án Luật Giao thông đường bộ và dự án Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ (Đổi tên Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ; đổi tên Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ): Giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an thực hiện theo những nội dung chỉ đạo và trình Chính phủ xem xét, có ý kiến đối với 02 dự án Luật này.
Hai là, về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo, trình Chính phủ xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.
Ba là, về Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi): Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022.
Bốn là, về Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022.
Năm là, về Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023.
Sáu là, về Đề nghị xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi: Giao Bộ Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét quyết định trước khi gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp Dự án này vào Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2023.
Bảy là, về Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp, công nghệ số: Giao Bộ Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo những nội dung chỉ đạo, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét quyết định trước khi gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp Dự án này vào Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2023.
Có thể thấy, Nghị quyết của Chính phủ được ban hành với sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cùng với sự tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện của các Bộ ngành, chắc chắn công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế trong quản lý ngành, lĩnh vực ở nước ta năm 2022 sẽ đạt được nhiều kết quả, góp phần bổ sung hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta bước vào một giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
• MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2022-2025
• SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG TRONG GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC CỦA KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH THAO GIẢNG CẤP KHOA NĂM 2022
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV 2021
• MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SOẠN GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
• QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ THẨM QUYỀN CỦA CÔNG AN XÃ CHÍNH QUY
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN TRONG THÔNG TƯ 04/2021/TT-TTCP
• NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO NGHỊ ĐỊNH 89/2021/NĐ-CP NGÀY 18/10/2021 CỦA CHÍNH PHỦ