MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ NỘI DUNG MỚI TRONG PHẦN QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NĂM 2023
Thứ năm, 23.02.2023 02:18ThS. Cao Trần Hải
Khoa Nhà nước & pháp luật
Điều 54 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”. Chính vì vậy quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, là yếu tố quyết định sự phát triển một cách bền vững của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội. Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:
Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn một số nội dung chưa phù hợp, đồng nhất với Hiến pháp các đạo luật có liên quan và thực tiễn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bền vững hiện nay. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập. Quyền giám sát của HĐND các cấp chưa rõ ràng, còn chung chung, việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ…
Để khắc phục những tồn tại hạn chế đó tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét thông qua và cho ý kiến về một số dự án luật, trong đó có Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Xác định Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác và có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân, Quốc hội khóa XV đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ ngày 03/01 đến ngày 15/3/2023. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai , tôi xin bày tỏ một vài ý kiến cá nhân về nội dung Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại khoản 4, điều 74 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó quy định:
“Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định”.
Cụ thể; Khoản 4 điều 74 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là nội dung đã được được quy định trong khoản 3 điều 49 Luật đất đai 2013 nhưng đã được diễn đạt ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu hơn, tuy nhiên, tôi đề nghị nên rút ngắn thời gian từ 03 năm xuống 02 năm kể từ ngày phê duyệt được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Việc rút ngắn thời gian xuống 02 năm sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc theo dõi, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đảm bảo tính công khai minh bạch khi có sự điều chỉnh, hủy bỏ đối với các dự án. Mặt khác đây cũng là căn cứ pháp lý để người sử dụng đất chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng phù hợp với thời gian, đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí nguồn lực đất đai như một số dự án hiện nay.
• MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
• Tìm hiểu một số quy định mới về hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023
• Quy định mới về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
• Một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
• Quan điểm của Đảng về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng
• Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022
• Chi bộ khoa Nhà nước và pháp luật tổng kết chi bộ, đánh giá xếp loại đảng viên năm 2022
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW VÀO GIẢNG DẠY BÀI “XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN” Ở MÔN “NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
• NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ TẬP THỂ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY