GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI
Thứ tư, 22.02.2023 14:09ThS. Đoàn Thị Hồng Việt
Khoa Nhà nước & pháp luật
Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia, là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai đã được Nhà nước quan tâm, điều chỉnh bằng hệ thống các văn bản pháp luật đất đai, nhất là Luật đất đai năm 2013, đó là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
Qua thực tiễn thực hiện Luật đất đai, các quan hệ pháp luật đất đai đã đi vào ổn định, nhất là công tác quản lý,sử dụng đất đai, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển bền vững đất nước Việt Nam thời gian qua. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy phạm pháp luật đất đai cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế như: nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng... Những hạn chế đó là do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan mang lại và cơ bản là: do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm... Vì thế, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm mục đích: Hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều. Trong đó, ở chương II, quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai nhằm thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thực hiện quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. So với Luật Đất đai 2013 trước đây chỉ quy định quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, nay trong dự thảo bổ sung 01 mục mới (mục 3, Điều 29 đến Điều 30) quy định về quyền và nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai, bao gồm 06 quyền:
1. Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Được quyền tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
a) Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
b) Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
c) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
d) Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin.
4. Tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
5. Quyền về bình đẳng giới trong sử dụng đất đai.
6. Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Tuy nhiên, để công dân thực hiện tốt hơn các quyền đó tại khoản 1, khoản 2, điều này cần bổ sung:... theo quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo tính rõ ràng, chính xác, chứ không quy định chung chung là "... theo quy định của pháp luật".
Tại điểm d, khoản 3: được quyền tiếp cận các thông tin về đất đai, trong đó quy định: "Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin" chưa thực sự hợp lý, vì ở khoản 3 điều này đang liệt kê các quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với đất đai. Nên chăng bỏ điểm dtại điểm d cho phù hợp với các nội dung khác tại khoản 3, Điều 29.
Về nghĩa vụ của công dân đối với quản lý, sử dụng đất đai được quy định tại điều 30, gồm 05 nghĩa vụ đó là:
1. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai;
2. Tham gia góp ý, giám sát phản biện xã hội trong việc hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật đất đai;
3. Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất;
4. Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.
5. Thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Để đảm bảo tính chính xác hơn, tên điều 30 cần chỉnh lại: thêm chữ "việc" vào trước từ "quản lý" nên hoàn thiện lại như sau: Về nghĩa vụ của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai.
Với việc quy định bổ sung mới về quyền và nghĩa vụ của công dân trong dự thảo Luật đất đai mới hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay. Qua việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai trong Chương II, cùng với trách nhiệm của Nhà nước đã đảm bảo tính toàn diện hơn trong quy định pháp luật đất đai, đảm bảo tốt hơn quyền công dân, quyền làm chủ trong giai đoạn hiện nay.
• Tìm hiểu một số quy định mới về hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023
• Quy định mới về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
• Một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
• Quan điểm của Đảng về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng
• Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022
• Chi bộ khoa Nhà nước và pháp luật tổng kết chi bộ, đánh giá xếp loại đảng viên năm 2022
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW VÀO GIẢNG DẠY BÀI “XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN” Ở MÔN “NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
• NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ TẬP THỂ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
• MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ HOÀN THIỆN CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ ĐẠT CHUẨN THEO QUY ĐỊNH SỐ 11-QĐ/TW NGÀY 19/5/2021 CỦA BAN BÍ THƯ