CẬP NHẬT MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ Y TẾ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19
Thứ hai, 28.02.2022 07:40ThS Hoàng Văn Bắc
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trong những ngày gần đây, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, số ca mắc bệnh mới mỗi ngày lên đến hàng chục nghìn ca, diễn biến dịch hết sức phức tạp, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp hành chính quyết liệt để đảm bảo được “mục tiêu kép” theo tinh thần Nghị quyết 128-NQ/CP đã đề ra. Căn cứ tình hình dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên toàn quốc, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 và một số quy định mới về giá dịch vụ xét nghiệm SAR-CoV-2. Những quy định, hướng dẫn này có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền các địa phương và người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.
Ảnh: Biều đồ theo dõi ca nhiễm Covid-19 mới theo ngày trong tháng 02/2022.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Một là, hướng dẫn tổ chức việc cách ly y tế với các ca bệnh Covid-19 (F0) và những người tiếp xúc gần (F1)
Ngày 21/02/2022, Bộ Y tế ban hành công văn 762/BYT-DP về việc cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Trước hết, về định nghĩa trường hợp tiếp xúc gần (F1):
Theo hướng dẫn tại Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 thì người tiếp xúc gần (F1) thuộc 04 trường hợp sau:
+ Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Hướng dẫn cụ thể về những trường hợp bị coi là F1 như trên đã giúp người dân ổn định về mặt tâm lý, tránh sự hoang mang, kỳ thị, nâng cao ý thức phòng dịch mà trước hết là ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Thứ hai, hướng dẫn cụ thể về cách ly y tế đối với các trường hợp F1:
- Đối với trường hợp F1 đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19):
+ Thực hiện cách ly y tế 05 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng (Trước đây, theo Công văn 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021, F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú, tự theo dõi sức khoẻ trong 07 ngày tiếp theo).
+ Thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 05 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
- Đối với trường hợp F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19:
+ Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng;
+ Thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 7 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 03 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
Đối với hướng dẫn này, các trường hợp F1 cần lưu ý về thời gian bắt buộc cách ly và thời gian, số lần thực hiện việc xét nghiệm nhanh (test nhanh) để tránh trường hợp lạm dụng việc test nhanh vừa không hiệu quả lại gây tốn kém, lãng phí nguồn lực không cần thiết.
Hai là, hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp
Thực hiện chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương đã tổ chức dạy học trực tiếp, cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, sau đó số lượng các ca F0 tăng cao trong cộng đồng, trong đó nhiều ca là học sinh và giáo viên. Từ tình hình đó, nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.
Trước ý kiến của nhiều địa phương, ngày 21/02/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 796/BYT-MT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp; trong đó hướng dẫn cụ thể Quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước như sau:
+ Bước 1: Khi có F0, bộ phận test nhanh báo ngay cho hiệu trưởng hoặc ban chỉ đạo, tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường. F0 được chuyển đến phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.
+ Bước 2: Tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế được phân công hỗ trợ trường, để ngay lập tức đến xử lý.
+ Bước 3: Lớp có học sinh F0, giáo viên chủ nhiệm cho tất cả học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và tổ an toàn phòng chống dịch nhà trường, cán bộ y tế cấp xã, tổ chức điều tra xác định các F1, test nhanh ngay cho toàn bộ học sinh lớp đó. Trường hợp có kết quả test nhanh dương tính nCoV thì được xác định là F0 và xử lý theo quy định. Nếu không phải là F1 và kết quả test nhanh âm tính, học sinh đi học trở lại bình thường.
Học sinh F1 và kết quả test nhanh âm tính chia làm hai nhóm. Học sinh là F1, đã tiêm đủ ít nhất hai liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng ba tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 thì cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc test nhanh) ngày thứ 5. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 5 ngày tiếp theo, hướng dẫn thực hiện thông điệp 5K.
Học sinh là F1, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc test nhanh) ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo, thực hiện thông điệp 5K.
Trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, học sinh có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thông báo cho Trạm y tế cấp xã, nhà trường.
Khối mầm non, nhà trẻ, trong lớp có một ca test nhanh dương tính thì toàn bộ trẻ trong lớp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc test nhanh) vào ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 thì được đi học trực tiếp trở lại, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày.
+ Bước 4: Lớp có học sinh F0, sau khi xác định F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Học sinh các lớp khác không có giao lưu tiếp xúc với F0 thì đi học bình thường. Học sinh tiếp xúc gần với F0 thì test nhanh và xử lý F1 như bước 3.
Trường hợp học sinh là F0 được phát hiện khi đang ở tại nhà, phụ huynh cho con em nghỉ học, báo với nhà trường và trạm y tế. Nhà trường và trạm y tế cấp xã tiến hành truy vết học sinh là F1 và xử lý như trên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, … hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Ba là, quy định về mức giá xét nghiệm SARS-CoV-2
Hiện nay, vấn đề giá xét nghiệm SARS-CoV-2 được nhân dân rất quan tâm, do có nhiều mức giá khác nhau. Điều này có nguyên nhân khách quan là do giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá mua test xét nghiệm. Giá test tăng giảm theo diễn biến của thị trường (tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất, xuất xứ sản phẩm, số lượng đơn vị cung cấp…). Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sản xuất được, nên giá test có xu hướng ngày càng giảm. Quan điểm của Bộ Y tế là không đưa giá test vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá mà đưa vào danh mục các mặt hàng phải kê khai giá.
Ngày 18/02/2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 như sau:
- Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế:
+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (Trước đây, Thông tư 16/2021/TT-BYT quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh có mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bản tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (Trước đây, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động có mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
+ Trường hợp mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng xét nghiệm (Trước đây, trường hợp mẫu đơn có mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
+ Trường hợp gộp mẫu: Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại cột 2 mục IV Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BYT.
Ngoài ra, Thông tư 02/2022/TT-BYT còn quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng “loạn” giá dịch vụ xét nghiệm, giá kít test, nhu cầu tự test Covid-19 của người dân tăng cao đột ngột. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi và ổn định thị trường, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít test nhanh của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Vì vậy, ngành y tế, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần tăng cường vào công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng này nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá kít test nhanh và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Căn cứ vào quy định về giá xét nghiệm nói trên, người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết và thực hiện các xét nghiệm, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường./.
• SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG TRONG GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC CỦA KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH THAO GIẢNG CẤP KHOA NĂM 2022
• KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV 2021
• MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SOẠN GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
• QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ THẨM QUYỀN CỦA CÔNG AN XÃ CHÍNH QUY
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN TRONG THÔNG TƯ 04/2021/TT-TTCP
• NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN
• TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO NGHỊ ĐỊNH 89/2021/NĐ-CP NGÀY 18/10/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
• KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 CỦA TỈNH PHÚ THỌ