VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII "VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045" VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN KIẾN THỨC BỔ TRỢ
Thứ năm, 18.08.2022 01:19ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Trong mọi thời điểm, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có giá trị khoa học và thực tiễn to lớn, đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ 2008 đến nay và đề ra quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào giảng dạy lý luận chính trị ở khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Phú Thọ là yêu cầu cấp thiết để góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng hiện nay.
Tìm hiểu Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để vận dụng vào môn học phần Kiến thức bổ trợ của khoa Lý luận cơ sở là nhiệm vụ của toàn thể giảng viên. Môn học nằm trong Khối kiến thức thứ 5 của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị ban hành năm 2021, là nội dung mới so với các chương trình từ trước đến nay. Mục đích là nhằm bổ sung những kiến thức mới cập nhật, đặc biệt là kiến thức thực tiễn để đáp ứng những nhu cầu của người học ở những địa bàn khác nhau và ở những thời điểm khác nhau. Khối “Kiến thức bổ trợ” gồm 15 chuyên đề tự chọn, giới thiệu những kiến thức tổng hợp về Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ an ninh, quốc phòng trong sự kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; kiến thức về nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý trong các hệ thống chính trị, trong các đơn vị sự nghiệp công lập; những kiến thức về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới; về vấn đề phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; vấn đề bảo vệ môi trường. 15 chuyên đề được chia thành các cụm bài: Quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Năng lực lãnh đạo quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tín ngưỡng tôn giáo và bảo vệ môi trường.
Đối với cụm bài quốc phòng, an ninh và đối ngoại hội nhập quốc tế gồm 06 chuyên đề:
1. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh trong tình hình mới
2. Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh ở cơ sở
3. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở trong tình hình mới
4. Đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch
5. Chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống
6. Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Khi vận dụng Nghị quyết số 19-NQ/TW vào giảng dạy cụm bài này, có thể đưa vào các bài giảng những nội dung sau: đó là những ưu điểm và hạn chế củasau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam, ví dụ như về ưu điểm: "Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia", đâu chính là an ninh lương thực, an ninh phi truyền thống mà chúng ta đã đạt được. "Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới".
Bên cạnh đó, có thể đưa các nội dung trong 05 quan điểm chỉ đạo của nghị quyết vào từng nội dung bài giảng, ví dụ như trong nội dung quan điểm 1: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" có thể đưa vào nội dung giảng dạy ở chuyên đề 2, chuyên đề 3... Hay như nội dung quan điểm 3: "Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia" có thể vận dụng đưa vào nội dung giảng dạy của chuyên đề 5, chuyên đề 6... Ngoài ra còn có thể đưa vào các bài giảng trong cụm bài này một số giải pháp của nghị quyết, ví dụ giải pháp thứ 2. "Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng". Giải pháp thứ 6. "Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn" và giải pháp thứ 8. "Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ"... để phân tích, lồng ghép vào các nội dung bài giảng làm nổi bật chủ trương đường lối xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp nông thôn hội nhập quốc tế.
Đối với cụm bài: Năng lực lãnh đạo quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gồm các chuyên đề sau:
Chuyên đề số 7: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của hệ thống chính trị
Chuyên đề số 8: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Chuyên đề số 9: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
Chuyên đề số 10: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Trong cụm bài này, giảng viên có thể liên hệ một số nội dung liên quan đến vai trò lãnh đạo, quản lý trong xây dựng nông thôn, nông nghiệp hiện nay, ví dự như trong phần đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động lãnh chỉ đạo khi tổng kết công tác xây dựng nông dân, nông thôn vừa qua, thành tựu mà đất nước ta đạt được về phát triển nông nghiệp hơn 15 năm qua là do: "Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu nghị quyết đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao". Tuy nhiên, giảng viên cũng phải nêu lên cả hạn chế trong công tác lãnh đạo quản lý để là bài học rút linh nghiệm cho cả một chặng đường tiếp theo: "Nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, nên có lúc, có nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện, chậm sửa đổi, bổ sung, nhất là về đất đai, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, tổ chức sản xuất. Đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra; hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa cao". Từ đó, vận dụng đưa các quan điểm, mục tiêu và giải pháp trong nghị quyết liên quan đến công tác lãnh đạo quản lý , nhất là vai trò lãnh đạo quản lý của các cấp ở cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết này ở cơ sở như thế nào, ví dự như ở quan điểm số 5: "Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn". Sau đó, vận dụng một số nội dung các quan điểm, mục tiêu và giải pháp vào cụ thể từng bài giảng cho phù hợp với nội dung giảng dạy. Với chuyên đề số 7 và số 10 gắn với năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, cán bộ lãnh đạo quản lý phải nắm rõ Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu những mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn. Tầm nhìn đến năm 2045, được Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định, đó là : Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Để từ đó chỉ đạo hoạt động xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đối với cụm bài: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tín ngưỡng tôn giáo và bảo vệ môi trường gồm có các chuyên đề:
Chuyên đề số 11: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Chuyên đề số 12: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm ở nông thôn hiện nay
Chuyên đề số 13: Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chuyên đề số 14: Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở cơ sở hiện nay
Chuyền đề số 15: Bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay
Khi giảng các chuyên đề này, có thể liên hệ về rất nhiều vấn đề của Nghị quyết số 19 để đưa vào bài giảng ở phần này, nhất là ở chuyên đề số 11 và số 12, số 13 giảng viên đều có thể vận dụng và đưa các nội dung cơ bản của nghị quyết 19 vào giảng dạy. Giảng viên cần làm rõ: Ban Chấp hànhTrung ương khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về quan điểm, Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp... gắn với nhu cầu thị trường. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Để thực hiện được những vấn đề nêu trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó đáng chú ý như: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng chú trọng nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 02 lần giai đoạn 2011 - 2020. Xử lý triệt để những tồn đọng về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, chấm dứt tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất mà khoán trắng cho hộ gia đình, cá nhân. Khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
Có thể khẳng định, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới để đạt mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra.
Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đơn vị đảm nhận thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị với những phần học về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức bổ trợ. Đây là những phần học có liên quan gián tiếp và trực tiếp đến nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Vì vậy, vận dụng các nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW vào từng nội dung bài giảng lý luận chính trị trong phần học kiến thức bộ trợ nói riêng và các môn học lý luận chính trị nói chung một cách phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất ý chí, hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
• TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2030
• BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở TỈNH PHÚ THỌ
• TÁC PHẨM “NHỮNG NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT CỦA CHÍNH QUYỀN XÔVIẾT CỦA LÊNIN” VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN ĐỐI VỚI VIỆT NAM HIỆN NAY
• NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM SAU 27 NĂM GIA NHẬP ASEAN
• GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ VẬN DỤNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
• 35 NĂM NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI - THẾ GIỚI 8 TỶ NGƯỜI CẦN KHAI THÁC CƠ HỘI VÀ ĐẢM BẢO QUYỀN, LỰA CHỌN CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
• TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY PHÚ THỌ VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ CHÍNH SÁCH THƯỞNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
• BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
• NÂNG CAO VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA CHI BỘ KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ