TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - ÁNH SÁNG CỦA NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC
Thứ hai, 05.06.2023 09:39Nguyễn Thanh Sơn
Học viên lớp Trung cấp LLCT tập trung K1
Chủ tịch Hồ Chí Minh người dành cả tuổi thanh xuân của mình đề bôn ba khắp năm châu bốn biển nhằm tìm ra con đường cứu đất nước thoát khỏi cảnh lầm than. Vị lãnh tụ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người Cộng sản kiên trung đã lãnh đạo quân và dân ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ với quyết tâm thực hiện chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do, đem lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Nhân dịp Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng, để từ đó càng thêm trân trọng một con người vĩ đại mà luôn giản dị, gần gũi và bao dung.
Sinh thời, rất nhiều lần khi được các nhà báo, nhà văn, các chính khách, các nhà nghiên cứu hỏi: Quan điểm và tư tưởng lớn nhất của mình là gì thì Người luôn trả lời rằng: đó là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Những điều đó đã khẳng định rằng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng quan trọng nhất, và là mục tiêu mà Người theo đuổi suốt cuộc đời của mình.
Đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mục tiêu luôn song hành trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, Người đã khẳng định, “Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc và đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập…”
Khi đất nước bị mất độc lập tự do, chìm trong bóng đêm của chủ nghĩa thực dân thì việc đầu tiên mà Người làm là lãnh đạo nhân dân tập hợp lực lượng để giành độc lập tự do cho đất nước. Tháng 5 năm 1966, khi đế quốc Mỹ mở rộng xâm lược và chiến tranh ở nước ta bằng không quân, đặc biệt là đánh phá miền Bắc, thì Người lại một lần nữa nhấn mạnh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Có thể nói rằng, trong mọi thời kỳ, khát vọng độc lập tự do chính là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để Đảng lãnh đạo quân và dân ta giành được những thắng lợi vẻ vang và vĩ đại.
Cùng ngược dòng lịch sử, trở lại thời điểm ngày mùng 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Chuyến đi ấy chứa đựng biết bao nhiêu lý tưởng và hoài bão của một người thanh niên yêu nước nung nấu trong mình ý chí khát vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Người ra đi tìm đường cứu nước chỉ có hai bàn tay trắng và Bác cũng “chưa biết là sang đó thì sẽ như thế nào”, nhưng khát vọng và ý chí của một người thanh niên khi lần đầu tiên được nghe nói những từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” và khao khát “muốn tìm hiểu đằng sau những từ đó là gì” đã thôi thúc người thanh niên 21 tuổi phải đến tận nơi để xem thực chất họ như thế nào và từ đó tìm ra con đường đường cứu nước. Người tham gia bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 3 (tức Quốc tế Cộng sản) và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Khi Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc được với Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã thốt lên: “Đây chính là cái cần thiết cho chúng ta, là con đường của chúng ta”. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người từ đó. Xuyên suốt tiến trình lịch sử từ tháng 5 năm 1923 khi Người sang Liên Xô, rồi sau đó về Trung Quốc. Ngày 03/02/1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1941, Bác về Cao Bằng cùng với các đồng chí của mình tổ chức lực lượng vận động nhân dân đấu tranh để tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai; lập nên chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tư tưởng về độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh đã được hình thành một cách tự giác, đã có sự chuẩn bị công phu cả về mặt lý luận, chính trị và tổ chức, đặc biệt là tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân. Theo người “Cách mạng muốn thành công thì phải có nhân dân tham gia và nhân dân là chủ thể làm ra lịch sử”. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đứng ra tập hợp các đội ngũ trí thức đủ tâm và đủ tài không chỉ là những người đảng viên mà cả những người không phải là đảng viên, những người từ nước ngoài trở về cũng được tham gia vào Chính phủ. Tình thế cách mạng lúc bấy giờ của dân tộc ta ngàn cân treo sợi tóc, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, người dân thì đói khổ, thất học. Phần lớn người dân không biết chữ. Cùng một lúc chúng ta phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, nhưng với tầm vóc của Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ thiên tài của mình, Người đã dẫn dắt cả dân tộc đi đến độc lập tự do và hạnh phúc. Khi người phát động tuần lễ vàng để ủng hộ Chính phủ, Cụ Hồ đã thu hút được một lượng rất lớn tiền, vàng, bạc; các nhà tư sản dân tộc giàu có như ông Trịnh Văn Bô cũng sẵn sàng ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng hết mình. Khi dân đói, dân thiếu gạo thì người lập hũ gạo cứu đói. Rất nhiều các tri thức đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống đầy đủ, thậm chí rất phồn hoa ở các nước phương Tây, trong đó có các nhà khoa học, các kĩ sư, nhà văn hóa, các thầy thuốc giỏi… rất nhiều trí thức yêu nước tiêu biểu đã đi theo sức hút của tư tưởng Hồ Chí Minh và độc lập dân tộc. Chỉ tư tưởng Hồ Chí Minh mới có thể tập hợp được những lực lượng to lớn ấy. Người cho rằng: “Muốn độc lập tự do thì không chỉ dựa vào chính quyền mà phải cả toàn quân và toàn dân ta”, Người nhấn mạnh “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân”.
Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai năm 1961, Người nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Người luôn khẳng định: “Đảng ta là một Đảng tiên phong của dân tộc, của nhân dân và Đảng không có mục đích nào khác ngoài độc lập tự do cho tổ quốc và cơm no áo ấm cho người dân”. Hồ Chí Minh là lãnh tụ tiêu biểu của Đảng cả về tư tưởng chính trị và về lòng yêu nước. Sự gương mẫu trong đạo đức trong lối sống hằng ngày của người. Những yếu tố ấy đã tập hợp được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp và sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, điều Người quan tâm, dặn dò nhiều nhất cho hậu thế cũng là những trăn trở về sự đoàn kết trong Đảng và đội ngũ cán bộ những người đầy tớ của nhân dân và nhiệm vụ đảm bảo hạnh phúc cho nhân dân.
Trong Di chúc, Người dặn dò: Trước hết trong Đảng, mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu như sự đoàn kết bị rạn vỡ thì con mắt không còn nhìn sáng tỏ nữa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngoài sức mạnh của dân tộc chúng ta còn có được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Ở Hồ Chí Minh, có sự hội tụ ở mức cao nhất, hoàn hảo nhất của sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc và thời đại, của cổ và kim, của phương Đông và phương Tây, của những gì vĩ đại nhất và cũng là những gì bình dị và khiêm nhường nhất. Điều mà không phải lãnh tụ nào trên thế giới cũng có thể có được giống như Hồ Chí Minh đó là tư tưởng vì dân. Đối với Người, một đất nước thực sự được tự do, độc lập là một đất nước mà ở đó con người phải thực sự được làm chủ, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Theo Người, nhân tố con người là mục tiêu cao nhất của mọi cuộc cách mạng, trước hết là giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ để có quyền độc lập tự do khic ó độc lập tự do rồi thì phải có cơm no áo ấm. Người cho rằng: “Nếu như có độc lập tự do nhưng nhân dân không có cuộc sống ấm no hạnh phúc thì độc lập, tự do ấy không có ý nghĩa”.
Nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, là cả một hệ thống quan điểm của Người về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Là ngọn cờ để giải phóng đất nước, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người là tấm gương sáng về sự thanh cao, những câu nói, những hành động, những việc làm, những cử chỉ của Bác đã trở thành bài học rất lớn cho chúng ta học tập và noi theo từ những điều rất đơn giản trong cuộc sống.
Trong những năm qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng trên cả nước và mang lại hiệu quả tích cực. Qua học Bác và làm theo Bác, đã có nhiều tập thể, nhiều cá nhân đã vươn lên trong sản xuất, trong xây dựng cuộc sống mới và trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành một hành động tự giác. Điều này vừa góp phần xây dựng con người, vừa có tác động tích cực tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước ta. Là nền tảng đưa đất nước vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mang lại hạnh phúc cho con người, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bác đã đi xa, nhưng những tư tưởng nhân văn cao cả của Người còn sáng mãi. Bác vẫn cùng chúng ta trong mỗi bước đi, Bác vẫn là nguồn cổ vũ bất diệt cho nhân dân ta phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
• MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO HIỆN NAY
• CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
• VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
• C.MÁC - CUỘC ĐỜI VÀ CỐNG HIẾN ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI
• GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI Ở TỈNH PHÚ THỌ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ HƯỚNG DẪN SINH VIÊN THỰC TẬP CỦA HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN NĂM 2023
• MỘT SỐ HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG CHUYÊN VIÊN, CHUYÊN VIÊN CHÍNH VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH
• BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• KẾT QUẢ 05 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23-CT/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH"