Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ
Thứ năm, 12.01.2023 08:48Trong những năm qua, hệ thống các trường chính trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu giảng viên nhà trường đã biết lồng ghép kiến thức lập luận, phân tích, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng môn, từng bài học, từng đề tài nghiên cứu khoa học giúp cho người học có đủ tỉnh táo và nhận diện chuẩn xác trước các luận điệu sai trái, thù địch.
Chương trình đào tạo trung cấp, bồi dưỡng lý luận chính trị gồm các khâu cơ bản là: xây dựng nội dung giảng dạy gồm chương trình, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, chuyên đề bổ trợ, chuyên đề ngoại khóa; tổ chức giảng dạy; tổ chức đánh giá kết quả học tập của học viên (như thi hết môn, thi tốt nghiệp, viết khóa luận...); tổ chức quản lý và rèn luyện học viên trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt ngoại khóa, nghiên cứu thực tế... Do đó, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình đào tạo trung cấp, bồi dưỡng lý luận chính trị là sự kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tiếp tục khẳng định, tuyên truyền, lan tỏa giá trị của nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; từ đó củng cố nhận thức, nâng cao bản lĩnh cách mạng của học viên.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng đã quán triệt tới các giảng viên chủ động tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng như: bổ sung vào giáo án, bài giảng, xây dựng các câu hỏi ôn tập, các vấn đề thảo luận, ngân hàng đề thi hết môn, đề thi tốt nghiệp và trực tiếp giảng dạy các bài giảng trên lớp, đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở… Việc tích hợp này vừa giúp cho mỗi giảng viên nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, góp phần tuyên truyền, lan tỏa nội dung này đến toàn thể học viên và quần chúng nhân dân.
Trong quá trình triển khai, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã có những cách làm mới, sáng tạo như phát huy vai trò của Hội đồng khoa học trong việc góp ý bài giảng cho giảng viên; tổ chức sinh hoạt chuyên đề để thống nhất nội dung, cách thức tích hợp; tham gia dự giờ của các giảng viên để góp ý hoàn thiện bài giảng; xây dựng các tình huống chính trị - xã hội trong môn kỹ năng lãnh đạo quản lý liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để học viên trao đổi, thảo luận; tích hợp trong các câu hỏi thảo luận, ôn tập, kiểm tra, thi hết môn hoặc chủ đề các bài viết thu hoạch... Những cách làm rất đa dạng, sáng tạo của lãnh đạo các khoa chuyên môn, đội ngũ giảng viên nhà trường đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thực hành của học viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập như: một số giảng viên chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Không ít giảng viên còn lúng túng trong việc lựa chọn vấn đề, sử dụng phương thức tích hợp nội dung đấu tranh trong từng bài giảng. Vẫn còn có giảng viên chưa quan tâm nhiều đến việc lồng ghép nội dung nghị quyết, văn kiện đại hội ở một số tiết giảng, tiết thảo luận, hoặc lý luận đấu tranh, phản bác có lúc còn thiếu sắc bén, lồng ghép khiên cưỡng, lý giải chưa sâu sắc về cả lý luận và thực tiễn; chưa đam mê nghiên cứu khoa học, chưa đầu tư viết bài đăng các báo, tạp chí gắn với nội dung ngăn chặn, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch... Việc tích hợp cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ ở tất cả các môn học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị của các khoa chuyên môn.
Để việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ theo chiều sâu, thực chất và hiệu quả, thời gian tới cần chú trọng những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"; Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… bám sát nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chỉ đạo các khoa chuyên môn để tích hợp những nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (soạn bài giảng, thao giảng, dự giờ, chuyên đề sinh hoạt đầu khóa, sinh hoạt chuyên đề, chuyên đề ngoại khóa, thảo luận…).
Hai là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, chỉ đạo các khoa, phòng phối hợp tổ chức triển khai tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng một cách đồng bộ, hiệu quả. Từ quản lý giờ giảng của giảng viên, quản lý học viên đến hoạt động ngoại khóa đi nghiên cứu thực tế, viết khóa luận... Các khoa chuyên môn cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề và hội thảo khoa học cấp khoa để trao đổi ý kiến, thống nhất nội dung, cách thức thực hiện.
Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, cao về lý luận, sắc về diễn đạt và tâm huyết; từ đó nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới. Đội ngũ giảng viên cần chủ động, tích cực áp dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại trong việc thiết kế giáo án, bài giảng, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng các thông tin có nội dung cập nhật, hình ảnh minh họa sinh động để thu hút sự chú ý của học viên.
Bốn là, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, thao giảng, dự giờ, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với các khoa chuyên môn và giảng viên. Chỉ đạo các khoa chuyên môn có những bài viết chuyên sâu nghiên cứu, trao đổi về giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần củng cố niềm tin, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Chỉ đạo 35 của Học viện, Vụ các trường chính trị quan tâm, tạo điều kiện cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ được tham gia các Hội thảo khoa học cấp bộ, cấp nhà nước; các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch;tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng viết bài chính luận khoa học trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tiếp tục khẳng định, lan tỏa những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nâng cao bản lĩnh cách mạng của học viên trong giai đoạn mới.
ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
• Phát huy vai trò của giai cấp công nhân để xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
• Khoa Lý luận cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
• Thực trạng và giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
• Giảng viên Trường Chính trị tỉnh thực hiện văn hóa giảng dạy, góp phần phát huy những giá trị văn hóa trường Đảng
• Giá trị lịch sử từ tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946
• Chi bộ khoa Lý luận cơ sở tổ chức tổng kết công tác Đảng năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
• PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
• MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
• SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN