THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN” TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ VÀ TIÊU CỰC HIỆN NAY
Thứ sáu, 25.11.2022 07:55ThS. Nguyễn Việt Hà
Khoa Lý luận cơ sở
Nhân dịp Kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và công bố tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Những tư tưởng và lời dạy của Bác về những vấn đề quan trọng với người cách mạng và Đảng cách mạng trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Tác phẩm ngắn gọn, xúc tích với chưa đầy 700 từ nhưng chứa đựng tư tưởng lớn cốt lõi, căn bản trong xây dựng, rèn luyện và tu dưỡng của người cán bộ cách mạng, nhiệm vụ căn cốt trong công tác xây dựng Đảng cách mạng.
Trong tác phẩm, Người đã chỉ rõ: nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn của cách mạng đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự hi sinh, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người viết: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác”. “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những con người xứng đáng như thế”. Và trong Đảng ta còn có cả trăm nghìn cán bộ luôn có tinh thần “gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”, sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng, vì dân tộc “đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước có thành công hay không cũng do sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta; sự cống hiến và hi sinh của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ, đảng viên là yếu tố vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Chính bởi vậy, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta luôn coi trọng và quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ, khẳng định đó là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ thứ giặc nội xâm, kẻ địch bên trong đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Người cũng khẳng định: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, quyết tâm “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người cũng tiên lượng và khẳng định chủ nghĩa cá nhân là biểu hiện tập trung nhất của sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; là nguy cơ lớn của đảng cầm quyền, ảnh hưởng lớn tới uy tín, sự trong sạch, vững mạnh của đảng cầm quyền. Đây cũng chính là nguy cơ lớn mà Đảng ta đang phải đối mặt và ra sức quyết tâm chống phá để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, lãnh đạo đất nước tiến bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những biểu hiện và hậu quả của chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: “Còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân “là thứ vi trùng mẹ, đẻ ra nhiều bệnh khác”, “là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”, “là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội… thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Bởi “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”; “Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “cá nhân chủ nghĩa” là thứ giặc nội xâm rất nguy hiểm, khiến một số cán bộ, đảng viên “đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”, “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Vì vậy, “Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật được vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Bởi đó là “phương thuốc” để chữa bệnh tha hóa, suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên; là biện pháp hữu hiệu để “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ” như kỳ vọng của khâu đột phá chiến lược về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả từ gốc rễ.
Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong nhiều căn bệnh phát sinh từ “cá nhân chủ nghĩa”. Đây cũng là căn bệnh trầm kha trong công tác xây dựng đảng được Đảng ta chú trọng đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”; “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây cũng chính nội dung trong nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước hết cần quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Việc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh ví như “quét sạch những rác rưởi bẩn thỉu, những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống” để dọn đường xây dựng đạo đức cách mạng, để làm cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng trong sạch, vững mạnh xứng với vai trò tiền phong, gương mẫu và lực lượng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những giải pháp để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Đây cũng là những giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay mà Đảng ta cần quyết tâm thực hiện.
Thứ nhất, giải pháp về phía Đảng. Trong tác phẩm, Người chỉ rõ cán bộ, đảng viên là người của tổ chức. Vì vậy tổ chức đảng cần phải nghiêm chỉnh thực hiện vai trò của mình đảm bảo nguyên tắc của tổ chức để tiến hành “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Cụ thể:
Một là, “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Như vậy, muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Đảng cần phải thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Đảng để triệt để, hạn chế mọi điều kiện, cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đó cũng là những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Tại Đại hội XIII, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện...; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng…”.
Hai là, “Phải thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyên khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Theo Bác, tự phê bình và phê bình là “vũ khí sắc bén”, là “phương thuốc hay” để chữa bệnh khuyết điểm của cán bộ đảng viên và chỉnh đốn Đảng. Bác cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng phải coi tự phê bình và phê bình như việc “rửa mặt hằng ngày”.
Người cũng đưa ra quan điểm về công tác phê bình trong đảng: “Tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, thấu lý, đạt tình”; “tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ những ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết”.
Ba là, chế độ sinh hoạt và kỷ luật đảng phải nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”. Thực hiện lời dạy của Người, Đại hội XIII của Đảng cũng nêu cao quyết tâm “Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. Bởi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng thì “Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Thứ hai, giải pháp về phía cán bộ, đảng viên. Theo Bác, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do rèn luyện, tu dưỡng mà nên. Chính bởi vậy, để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mỗi cán bộ đảng viên cần:
Một là, “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”. Người nhấn mạnh: “Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Nếu rời khỏi Đảng và rời khỏi giai cấp, thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì”.
Hai là, “Phải đi sâu sát thực tế, gần gũi với quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Bác nhấn mạnh: “Dân chúng đồng lòng, việc gì làm cũng được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Và Người kết luận: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”.
Ba là, “Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Song song với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao xứng đáng là “công bộc của nhân dân”. Đó cũng chính là quá trình phấn đấu trở thành người cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù đã được Bác chắp bút hơn 50 năm trước, nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và luôn là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo thường niên từ cấp quốc gia tới cấp cơ sở. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đất nước, trước những tác động tiêu cực của hội nhập và kinh tế thị trường đã tạo điều kiện và cơ hội cho “chủ nghĩa cá nhân” phát tác, “quốc nạn” tham nhũng, tiêu cực đang diễn biến phức tạp thì những tư tưởng và lời dạy của Người trong tác phẩm là “phương thuốc”, là cơ sở để Đảng ta đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết từ gốc một cách triệt để thứ “giặc nội xâm” này. Đây cũng là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa; là cơ sở để Đảng ta tự chỉnh đốn cùng phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng “đạo đức”, “văn minh” khẳng định vị trí, uy tín trên con đường lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 2.
2. Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 11.
3. Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14.
4. Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 15.
• CẢM NHẬN TỪ CUỘC THI VIẾT CHÍNH LUẬN ''BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI'' LẦN THỨ HAI, NĂM 2022
• VAI TRÒ CỦA VIỆC NẮM BẮT VÀ ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG VIỆC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
• PH.ĂNGGHEN - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
• PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ NHỮNG LUẬN ĐIỂM TRONG BÀI VIẾT CỦA ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
• CHI BỘ KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ HOÀN THÀNH TỐT KẾ HOẠCH SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV NĂM 2022
• QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ Ý THỨC XÃ HỘI VÀ MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TRONG XÂY DỰNG Ý THỨC XÃ HỘI MỚI VIỆT NAM HIỆN NAY
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT "VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CNH, HĐH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045" VÀO GIẢNG DẠY BÀI “NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN XÂY DỰNG CNXH Ở VIỆT NAM"
• KỶ NIỆM 75 NĂM CHIẾN THẮNG SÔNG LÔ (24/10/1947 - 24/10/2022) - Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN TRONG CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC
• VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW, NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI