Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  19
Hôm nay :  2786
Hôm qua :  16648
Lượt truy cập : 4066844
Sự cần thiết xây dựng nông thôn mới và những quyết định, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới
9 10 7033

Sự cần thiết xây dựng nông thôn mới và những quyết định, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 04.12.2023 03:16




Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Đây là mục tiêu, yêu cầu cấp bách cho sự phát triển bền vững, có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới. Xây dựng nông thôn mới mang tính thời sự, thu hút được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

     Thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nhiều thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Những năm qua lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn và đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức cần thiết bởi một số lý do cơ bản sau:

     Thứ nhất, nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu bền vững, quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.

     Thứ hai, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; lao động nông thôn hiện nay có xu hướng già hoá; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của người nông dân của cả nước chỉ bằng ½ bình quân chung, nhiều nơi còn rất thấp. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng cao,"Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, dân số nông thôn hiện có 62,37 triệu người, chiếm 62,7% dân số toàn quốc; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực nông thôn là 2,03%.; Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) khu vực nông thôn là 6,68%; Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%"[1].

     Thứ ba, xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hóa; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; một số vấn đề xã hội phức tạp phát sinh ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh còn nhiều hạn chế.

     Thứ tư, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong công tác lãnh chỉ đạo và quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới để góp phần ban hành các chỉ thị, nghị quyết,chính sách, hệ thống văn bản quản lý về xây dựng nông thôn mới. Đảng và Nhà nước ta xác định cần phải chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là sự lựa chọn tất yếu để cứu vãn sự suy thoái của nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình hiện đại hóa mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.

     Thứ năm, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Để công nghiệp hóa cần đất đai, vốn và lao động kỹ thuật. Trong 03 yếu tố này thì có hai yếu tố thuộc về nông nghiệp, nông dân. Qua xây dựng nông thôn mới sẽ quy hoạch lại đồng ruộng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Mặt khác, mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đặt ra đến năm 2045 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao. Vì vậy, một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó.

     Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách về xây dựng nông thôn mới.

     Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề cập một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về  phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn trong đó có xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”[2].

     Cụ thể hóa đường lối của Đảng, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"[3].

     Nằm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí[4]. Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu chung là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[5].

     Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Chỉ trong thời gian ngắn, việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình này đã có bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên phạm vi cả nước. Bộ máy quản lý và điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hình thành từ Trung ương xuống địa phương. Đến tháng 10/2019, “cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Chương trình hoàn thành trước gần 02 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao”[6]. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu to lớn bước đầu, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết trên con đường đi đến hoàn thành các mục tiêu cũng như duy trì những kết quả đạt được.

     Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…”[7]. Thực hiện chủ trương trên cần nhận thức rõ quan điểm, nội dung xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trong thời gian tới ở Việt Nam. Và điều đó đã được Đảng ta cụ thể hóa tại Nghị quyết số 19-NQ/TW  của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Trung ương thông qua 05 quan điểm chỉ đạo như sau:

     "Một là, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

     Hai là, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

     Ba là, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

     Bốn là, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

     Năm là, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn"[8].

     Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Nghị quyết, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện; chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp thực hiện đồng bộ chương trình xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

     Để đưa đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới, hiện đại, văn minh thành hiện thực, thời gian qua ở các địa phương trong cả nước đã thu hút sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, bước đầu làm thay đổi đáng kể diện mạo khu vực nông thôn tại nhiều địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có bước tiến bộ rõ rệt. Có thể nói rằng, đây là một chương trình mới cả về phương diện lý luận và thực tiễn nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năng lực thực tiễn của cán bộ các cấp chưa nhiều, công tác chỉ đạo, triển khai còn lúng túng. Trong nhận thức một bộ phận nhân dân vẫn cho rằng xây dựng nông thôn mới là dự án do Nhà nước đầu tư, do đó còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, để mọi người dân đều nhận thức được trách nhiệm của mình và sẵn sàng chung sức xây dựng nông thôn mới.

     Xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những chủ trương lớn, nhất quán để góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong công cuộc đổi mới đất nước, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga

                                                     Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở


[1] Tổng cục thống kê, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022

[2]Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu hỏi - đáp các Nghị quyết Hội Nghị Trung ương bảy, Khóa X (Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.49.

[3]Chương trình hành động của Chính phủ, Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ), tr.1

[4] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tr.1.

[5]Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tr.1.

[6]Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, baochinhphu.vn ngày 19-10-2019.

[7]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1, Tr44.

[8] Nghị quyết số 19-NQ/TW  của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 16/6/2022  về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
Xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa: Diện mạo mới - sức sống mới
Một số giải pháp phát triển du lịch Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
Vận dụng tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy phần học Kinh tế chính trị Mác - Lênin
Thông điệp của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản Bản tin "Thông tin Lý luận và thực tiễn”
Phủ nhận lý luận về chủ nghĩa tư bản độc quyền của Lênin hay che đậy bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản?
Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công ở tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
Chi bộ khoa Lý luận cơ sở tổ chức Sinh hoạt chuyên đề quý 3 tại Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Chu Hóa
Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn mức 1 năm 2025, mức 2 vào năm 2030
Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất