Phát huy vai trò của giai cấp công nhân để xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Thứ tư, 04.01.2023 00:53Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là nội dung chủ yếu, điểm căn bản của chủ nghĩa Mác - vũ khí lý luận của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa. Nhận thức rõ lý luận và thực tiễn của sứ mệnh lịch sử này trong thời đại ngày nay có ý nghĩa quan trọng cho quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Giá trị khoa học và thời đại mà chủ nghĩa Mác để lại cho nhân loại là những “phát kiến vĩ đại” cho khoa học xã hội, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bao gồm:
Phát kiến thứ nhất là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Quan điểm duy vật lịch sử cho rằng, cơ sở kinh tế, phương thức sản xuất kinh tế, trình độ quan hệ giữa con người với tự nhiên là cơ sở cho tồn tại xã hội của mọi thời đại; vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của mọi hiện tượng xã hội, như chính trị, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật… ở cơ sở kinh tế ấy và quan sát, giải thích chúng trong sự quan hệ biện chứng. Chủ nghĩa Mác đã tìm ra nguyên nhân của sự thay đổi đó thông qua lý giải trạng thái cụ thể của kinh tế một thời đại, đó là phạm trù hình thái kinh tế - xã hội.
Phát kiến thứ hai là học thuyết về giá trị thặng dư. Chủ nghĩa Mác đã phát hiện ra quy luật sinh tồn của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư. Sản xuất giá trị thặng dư là mục tiêu và điều kiện của quá trình kinh tế tư bản chủ nghĩa. Để quá trình sản xuất diễn ra bình thường, cần có hai loại tư bản: tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v). Tư bản khả biến dùng để mua hàng hóa sức lao động của công nhân. Đó là lao động sống. Đặc tính của nó là khi sử dụng thì tăng thêm giá trị. Đó là giá trị thặng dư phản ánh bản chất bóc lột của CNTB. Cạnh tranh - bóc lột - mâu thuẫn là quy luật tồn tại gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Sự phát triển lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hóa với chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Đây là mâu thuẫn cơ bản trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, người giải quyết mâu thuẫn đó chính là giai cấp công nhân.
Phát kiến thứ ba là sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đây là kết quả logic từ hai phát kiến vĩ đại trên. Từ thực tiễn và nghiên cứu, chủ nghĩa Mác đã khẳng định sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng toàn nhân loại là giai cấp công nhân.
Xuất phát từ địa vị kinh tế - xã hội, đặc điểm chính trị xã hội và mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Mác khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới lãnh đạo các giai cấp tầng lớp khác trong xã hội lật đổ chế độ tư bản và tiền tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, mặc dù cách mạng khoa học công nghệ 4.0 phát triển mạnh, người ta sử dụng máy móc hiện đại, công nghệ số, tự động hóa, rô bốt hóa nhưng vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không thay đổi; máy móc là do con người sáng tạo ra để giải phóng sức lao động cho con người, máy móc không thể thay thế trí tuệ con người; máy móc muốn hoạt động thì phải có bàn tay của con người điều khiển, vận hành, thậm chí bảo trì, bảo dưỡng… nếu không có công nhân, người lao động thì tất cả máy móc đó không vận hành được, không có tác dụng gì đối với đời sống con người. Do vậy, luận điểm của Mác về vai trò sứ mệnh của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị.
Giai cấp công nhân của tỉnh tiếp tục phát huy và giữ vững được vai trò sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo, là lực lượng nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức, là giai cấp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Đất Tổ. Giai cấp công nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành nghề, ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề, lý luận chính trị, hình thành tác phong, kỷ luật lao động theo hướng hiện đại. Vì thế, họ có nhiều cơ hội việc làm và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện.
Trên lĩnh vực kinh tế: Tính đến tháng 06 năm 2022, dân số của tỉnh Phú Thọ là 1.481.884 người, công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 159.573 người, trong đó, công nhân khu vực nhà nước là 48.647 người, khu vực ngoài nhà nước là 95.078 người. Giai cấp công nhân của tỉnh Phú Thọ là chủ thể của quá trình sản xuất bằng phương thức công nghiệp, tạo ra nhiều giá trị của cải trong sản xuất vật chất: Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 35,6%. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng đạt 15.723 tỷ đồng, bằng 101,7% so với kế hoạch; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,83%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 42,53%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,55%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,88% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,42%. Hầu hết, các lĩnh vực công nghiệp thế mạnh vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng như sản phẩm điện tử tăng 27%; cát sỏi, đá khai thác tăng 25,2%; giấy bìa các loại tăng trên 17%; quần áo may sẵn tăng 13,5%; bia các loại tăng 9,7%; giầy thể thao tăng 8,6%; chè chế biến tăng 6,5%; gạch ceramic tăng 4,8%... Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như giấy Bãi Bằng, phân bón Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, gạch men CMC, gạch men Tasa, bia Sài Gòn - Phú Thọ... Tính đến hết năm 2021, giá trị xuất khẩu của Phú Thọ đạt 7.8 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, đưa Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao trên cả nước.
Trên lĩnh vực chính trị: Phong trào công nhân Phú Thọ phát triển liên tục, mạnh mẽ, sôi nổi, nhất là từ khi thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước; luôn bám sát các mục tiêu chiến lược, sách lược của Đảng, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Qua các thời kỳ cách mạng, phong trào công nhân Phú Thọ sớm xây dựng được mối quan hệ mật thiết với phong trào công nhân các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều cán bộ của Đảng, của các đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương đã hoạt động và trưởng thành trong phong trào công nhân của tỉnh. Những đặc điểm đó đã giúp công nhân Phú Thọ có mối liên hệ gắn bó với phong trào công nhân trong cả nước, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành các nhiệm vụ của mình trong mỗi giai đoạn cách mạng. Giai cấp công nhân cùng nhân dân lao động của tỉnh chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; không hoang mang dao động; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, con đường cách mạng Việt Nam…
Trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng: giai cấp công nhân và nhân dân lao động tỉnh Phú Thọ luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn; xây dựng và làm theo các chuẩn mực đạo đức mới, tư tưởng mới của xã hội chủ nghĩa; tham gia xây dựng văn hóa mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người mới đủ tài và đức. Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu lên mục tiêu phấn đấu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để đạt mục tiêu này cần có sự đóng góp không nhỏ của giai cấp công nhân. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển hết sức mạnh mẽ, để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong xây dựng giai cấp công nhân, bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân trong các doanh nghiệp, cần chú ý nâng cao ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Khoa Lý luận cơ sở
Tài liệu tham khảo:
1. http://phutho.gov.vn.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ: Báo cáo sơ kết công tác công đoàn 06 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2022.
• Thực trạng và giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
• Giảng viên Trường Chính trị tỉnh thực hiện văn hóa giảng dạy, góp phần phát huy những giá trị văn hóa trường Đảng
• Giá trị lịch sử từ tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946
• Chi bộ khoa Lý luận cơ sở tổ chức tổng kết công tác Đảng năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
• PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
• MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
• SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN
• QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TOÀN DIỆN VỀ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW, HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6, KHÓA XIII
• Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ