Dấu ấn ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân đất nước (28/01/1941 - 28/01/2023)
Thứ sáu, 27.01.2023 03:49Theo dòng lịch sử đã ghi nhận, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm ra con đường cứu nước, ngày 28/01/1941 (năm Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta) đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng dành độc lập tự do cho Việt Nam.
Nơi Bác đặt chân đầu tiên về Tổ quốc là mốc 108, nơi Bác ở đầu tiên khi về nước hoạt động là núi rừng Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây “non xanh, nước biếc, rừng thẳm, đất thiêng”, cảnh vật hữu tình, nên thơ, hùng vĩ, người dân chất phác, hiền lành, thuần hậu, đầy tình yêu quê hương, đất nước. Người đã trở về với quê hương đất Mẹ, trở về với cái tết cổ truyền của dân tộc, được sống trong không khí nghĩa tình ấm áp của nhân dân.
Là một người tiên tri tiên lượng, nhà dự báo chiến lược thiên tài, sau khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7/1935), trả lời nhà văn I.Êrenbua khi được hỏi cảm nghĩ về mùa xuân này, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”. Với một khả năng thấy trước, tiên đoán khoa học của bậc kỳ tài về tình hình thế giới và trong nước đang từng bước có những chuyển biến mau lẹ, Người thấy phải sớm về nước để tranh thủ và chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân vùng lên giải phóng... Con đường trở về Tổ quốc từ tháng 10/1938 của Nguyễn Ái Quốc gian nan, vất vả. Trong vai Thiếu tá bát lộ quân, với bí danh Hồ Quang, Người di chuyển từ Diên An, Tây An đến Quế Lâm qua Trùng Khánh… Từ cuối tháng 7/1939 đến đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục di chuyển nhiều nơi trên đất Trung Quốc và có nhiều hoạt động tích cực. Người có báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương (từ năm 1936 đến năm 1938). Người làm việc ở Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây), Quý Dương (tỉnh Quý Châu), Côn Minh (Vân Nam)… Từ đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu liên hệ được với nhiều đồng chí Việt Nam đang ở Trung Quốc và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.
Tháng 6/1940, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khoảng 20 ngày sau, nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (20/6/1940), Người triệu tập một cuộc họp và phân tích “việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Người điện ngay cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp nói không đi Diên An học tập nữa mà phải tìm cách về nước. Khi đi Trùng Khánh, Người dặn đi dặn lại Vũ Anh và các đồng chí ở Côn Minh lo chuẩn bị mọi mặt để khi Người trở lại có thể lên đường về nước ngay. Khi biết Nhật vào Đông Dương, Người nhận định: “Đồng minh sẽ thắng Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”.
Ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương. Những hoạt động của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này, đặc biệt là việc Người chủ trì Hội nghị Trung ương 08 có ý nghĩa lịch sử to lớn.
Thời kỳ này, những hoạt động chính của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập trung vào các nội dung chính sau:
Thứ nhất, triệu tập, chủ trì Hội nghi trung ương Đảng lần thứ 8. Nguyễn Ái Quốc cùng với Đảng ta đề ra chủ trương đúng đắn, thay đổi chiến lược, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là cấp thiết, hàng đầu.
Xuất phát từ nhận định tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, vấn đề dân tộc, Hội nghị phân tích sâu sắc mối quan hệ vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, bộ phận và toàn thể, chỉ rõ “trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau”. Xác định “cần phải thay đổi chiến lược”, Hội nghị chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đề ra sáng kiến chỉ đạo thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).
Căn cứ vào tình hình thay đổi, sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận Việt Minh thuộc về chiến thuật vận động. Vấn đề cốt yếu là đánh đuổi được Pháp - Nhật, thực hiện cho được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh ở một số huyện như Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm đó, tại Hội nghị Trung ương 8, Người khẳng định tính thiết thực, bổ ích của một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong dân tộc Việt Nam. Mặt trận Việt Minh đã liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.
Vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng được Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ phải phản ánh được chính sách cứu quốc, mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu, mà hạt nhân là tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc. Với sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh, Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”. Việt Minh đưa ra chính sách 10 điểm được coi như “tiền Hiến pháp” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ Mười chính sách của Việt Minh phản ánh nguyện vọng chung của toàn dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và mọi tầng lớp nhân dân.
Mười năm sau, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951), Hồ Chí Minh nhận định: “Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân… Vì thế mà Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, và cũng do cán bộ rất cố gắng đi sát với dân, cho nên Việt Minh phát triển rất mau và rất mạnh. Vì mặt trận phát triển mạnh mà Đảng phát triển cũng khá”.
Thứ ba, chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi công tác cán bộ là gốc của sự nghiệp cách mạng.
Ở Cao Bằng, Người chỉ đạo mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trình độ của nhân dân, trong đó chú trọng tới lực lượng thanh niên và coi đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của phong trào, nội dung các bài giảng của Người thiết thực, bổ ích, phù hợp và hiệu quả huấn luyện cao; thực hiện huấn luyện từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến lâu dài.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều thư, biên soạn, phiên dịch nhiều tài liệu tuyên truyền cho cách mạng và nhiều tài liệu về chính trị, quân sự để dùng vào công việc huấn luyện, đào tạo cán bộ như: Cách đánh du kích, lịch sử nước ta, lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô tóm tắt... Người chỉ thị, định hướng cho cán bộ, đảng viên hoạt động ở Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến phong trào học văn hóa, xóa mù chữ, đồng thời chỉ đạo những lớp huấn luyện ngắn ngày về tình hình thế giới và trong nước, chủ trương, chính sách mới của Đảng và chương trình, Điều lệ Việt Minh, phương pháp công tác, chỉ đạo lựa chọn một số thanh niên ưu tư gửi đi học ở Liễu Châu (Trung Quốc). Chiến lược huấn luyện, đào tạo cán bộ của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài, cả cán bộ chính trị và cán bộ quân sự.
Đội ngũ cán bộ do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương đảng chỉ đạo trực tiếp huấn luyện ở Cao Bằng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, được tôi luyện cả về thực tiễn và lý luận. Đó là cơ sở để thu hút quần chúng tham gia, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành từ những lớp huấn luyện của Người, sau này trở thành những cán bộ trung kiên, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ tư, Nguyễn Ái Quốc về nước, xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở đảng. Cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nguyễn Ái Quốc là con người hành động, lý luận gắn với thực tiễn. Quan điểm của Người rõ ràng: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng. Việc Nguyễn Ái Quốc sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và quyết định trở về nước vì “không muốn sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng” là minh chứng hùng hồn cho quan điểm lý luận Mác - Lênin thống nhất với thực tiễn cách mạng Việt Nam của Người.
Việc trở về nước của Nguyễn Ái Quốc cùng với thư Kính cáo đồng bào và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 mà Nguyễn Ái Quốc là linh hồn, đã tạo nên sự thống nhất cao độ, bền vững giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng làm nên kỳ tích lịch sử, cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “biến người nô lệ thành người tự do”, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, tạo điều kiện cho dân tộc ta theo kịp các nước trên toàn cầu, bước tới đài vinh quang để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày nước nhà độc lập.
Như vậy là, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước cùng đồng bào đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị Trung ương lần thứ tám với sự thay đổi chiến lược, sách lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo này đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, thực chất là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam được nêu ra trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt từ đầu năm 1930, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”, đưa cách mạng đến thắng lợi “nhanh chóng đến mức làm cho người ta sững sờ” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, là đại thắng mùa Xuân 1975…
Với ý nghĩa lớn lao đó, sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một mùa xuân đặc biệt trong cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Người, vì đó là mùa xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau gần ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa xuân cho dân tộc.
Xuân này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm tròn 82 mùa xuân ngày Bác Hồ về nước (28/01/1941 - 28/01/2023). Càng nhớ Bác Hồ, chúng ta càng nhớ những lời dạy của Người và lớp lớp cán bộ ngày ấy được Người bồi dưỡng, huấn luyện trở thành những người đưa đường lối chính sách của Đảng, tư tưởng đạo đức Bác Hồ đến với quần chúng, tổ chức, giáo dục và giúp họ đấu tranh từ thấp đến cao, tiến dần từng bước đến vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, xây đời sống mới… Đó chính là bài học từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và của cả dân tộc để mỗi người chúng ta hôm nay thực hiện tốt hơn việc Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu: Xây dựng một mước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
• Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ
• Vai trò của việc vận dụng các nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị
• Phát huy vai trò của giai cấp công nhân để xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
• Khoa Lý luận cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
• Thực trạng và giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
• Giảng viên Trường Chính trị tỉnh thực hiện văn hóa giảng dạy, góp phần phát huy những giá trị văn hóa trường Đảng
• Giá trị lịch sử từ tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946
• Chi bộ khoa Lý luận cơ sở tổ chức tổng kết công tác Đảng năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
• PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG