GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỞNG KHU DÂN CƯ Ở TỈNH PHÚ THỌ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thứ năm, 08.12.2022 08:20ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Trưởng khu dân cư là người đứng đầu một đơn vị cộng đồng dân cư (làng, thôn, xóm, ấp...) do người dân trong cộng đồng bầu ra và được chính quyền công nhận để thay mặt cho cộng đồng giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống dân cư. Trưởng khu là người trực tiếp nhận và truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn). Họ là những người sát dân, gần dân, hiểu dân, nắm bắt tình hình của dân kịp thời nhất, là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở. Họ vừa là người đại diện cho nhân dân của khu; vừa đại diện cho chính quyền đứng ra tổ chức, quản lý mọi hoạt động được giao. Nâng cao vai trò của Trưởng khu có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu dân cư nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung.
Hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở của tỉnh Phú Thọ sau khi thực hiện theo Kế hoạch số 3089/KH-UBND ngày 09/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 là 225 đơn vị, trong đó: 197 xã, 11 thị trấn và 17 phường với 2.328 khu dân cư. Số lượng khu dân cư sau sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh đã giảm 559 khu. Tổng số Trưởng khu dân cư hiện nay là 2.328[1].
Trong quá trình hoạt động, Ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư đã phối hợp hiệu quả với Trưởng khu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiết chế phục vụ sinh hoạt chung như: nhà văn hóa, sân chơi thể dục, thể thao, điện, đường, trường trạm được quan tâm đầu tư. Trưởng khu dân cư đại đa số do các đồng chí đảng viên cao tuổi đảm nhiệm, có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc của cộng đồng dân cư nên tạo được niềm tin, tập hợp được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư. Trưởng khu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc triệu tập và chủ trì hội nghị khu dân cư, tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi khu dân cư đã được nhân dân bàn và quyết định; vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của khu dân cư; vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào phát triển kinh tế - xã hội và thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, việc tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã, phường, thị trấn giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong khu cũng được Trưởng khu dân cư thực hiện có hiệu quả, thực sự là “cầu nối” giữa dân và chính quyền.
Có thể nói, những năm qua, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Phú Thọ luôn đoàn kết thống nhất, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đạt được những kết quả đó, phải kể đến những đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng khu trong toàn tỉnh. Nhiều trưởng khu là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, nhất là trong việc vận động, tuyên truyền giáo dục nhân dân các dân tộc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh trật tự…
Tuy nhiên, hoạt động của Trưởng khu hiện nay đang gặp một số khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ Trưởng khu dân cư không đồng đều về trình độ, nhận thức, độ tuổi; nhiều Trưởng khu tuổi đời cao (trên 50 tuổi trở lên chiếm đa số), kiêm nhiệm Bí thư hoặc Phó Bí thư chi bộ phụ trách các đoàn thể ở khu dân cư nên gặp không ít khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ cũng như trở ngại trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp của Trưởng khu dân cư thấp, công việc nhiều, một cán bộ khu phải kiêm nhiệm nhiều chức danh nên còn nhiều người chưa tập trung và dành nhiều thời gian cho thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc; một số Trưởng khu dân cư còn có tình trạng nể nang, không kịp thời báo cáo chính quyền về tình trạng vi phạm của một số hộ dân là anh em trong gia đình, dòng họ ở một số lĩnh vực như xây dựng, trật tự đô thị, đất đai… hoặc cố tình trục lợi trong bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khi nhà nước thu hồi đất; việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức lý luận và nghiệp vụ cho Trưởng khu chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, ở đâu Trưởng khu năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, có năng lực, uy tín thì các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước nhanh đến với dân, các vấn đề phát sinh phức tạp ở khu dân cư cũng được giải quyết kịp thời. Ngược lại, ở đâu Trưởng khu thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực, uy tín, không sát dân, gần dân thì các công việc của khu dân cư thường khó triển khai, thiếu gắn kết, hiệu quả thấp, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trưởng khu cần quan tâm tới một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Trưởng khu dân cư.
Cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trưởng khu dân cư và công tác đào tạo, bồi dưỡng Trưởng khu dân cư. Công tác này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài để cho mỗi cán bộ, đảng viên công tác trong hệ thống chính trị nhất là hệ thống chính trị cơ sở có nhận thức đúng đắn, cụ thể về vai trò của khu dân cư, vị trí, vai trò của Trưởng khu dân cư trong tổ chức đời sống cộng đồng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của địa phương, đất nước.
Hai là, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bồi dưỡng và hoạt động của Trưởng khu dân cư.
Công tác bồi dưỡng Trưởng khu dân cư cần được đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm của tỉnh để đảm bảo 100% các Trưởng khu được bồi dưỡng thường xuyên. Kế hoạch phải xác định cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành, thị, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện, UBND cấp xã, tiến độ thời gian và nguồn kinh phí thực hiện. Đặc biệt, lưu ý chế độ tài chính đối với người đi học vì đối tượng người học là các Trưởng khu dân cư là những người hoạt động không chuyên trách còn nhiều khó khăn về tài chính.
Về nội dung chương trình, trên cơ sở Bộ tài liệu bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ cho Trưởng khu dân cư do Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ xây dựng, UBND các huyện sẽ lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình học tập cho từng khóa, các giảng viên bổ sung, cập nhật và sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của từng địa phương.
Trong chương trình bồi dưỡng Trưởng khu dân cư cho từng lớp cần có nội dung nghiên cứu thực tế để các trưởng khu học tập mô hình hay, cách làm tốt, giao lưu trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ Trưởng khu dân cư.
Xây dựng đội ngũ Trưởng khu dân cư cần được xem là một trong những "nhiệm vụ đặc biệt” của công tác cán bộ ở cơ sở. Do vậy, công tác xây dựng đội ngũ Trưởng khu dân cư cần được thực hiện hiệu quả trong tất cả các khâu của công tác cán bộ. Cấp ủy ở khu dân cư phải xây dựng quy hoạch Trưởng khu dân cư và những người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư ngay từ đầu nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, chăm lo bố trí, sắp xếp các đảng viên của mình để dự kiến tham gia nhiệm kỳ tiếp theo.
Bốn là, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa ở khu dân cư.
Trong xu hướng phát triển chung hiện nay, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động theo hướng hiện đại hóa là yêu cầu tất yếu. Cấp ủy, chính quyền cơ sở cần quan tâm đầu tư và có cơ chế hiệu quả để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa ở khu dân cư.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tích cực tham mưu có hiệu quả để dành đủ quỹ đất cần thiết cho xây dựng nhà văn hóa khu dân cư đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa. Quan tâm đầu tư xây dựng và vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa khu dân cư. Hướng dẫn, chỉ đạo các trưởng khu quản lý quá trình xây dựng, khai thác, vận hành nhà văn hóa khu dân cư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả.
Năm là, nâng cao ý thức, trách nhiệm hoạt động của Trưởng khu dân cư.
Trưởng khu phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Không ngừng tự học, tự rèn, để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, kỹ năng tổ chức các hoạt động ở khu dân cư. Trong tổ chức các hoạt động ở khu dân cư, phải bám sát vào chỉ đạo của UBND cấp xã, bám sát vào tài liệu sinh hoạt chi bộ, qua các kênh thông tin chính thống như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để nắm bắt chính xác, kịp thời, đầy đủ các nội dung tuyên truyền đến mọi người dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phê phán, đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, lệch lạc trong cộng động nhân dân.
Bản thân Trưởng khu phải gương mẫu, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên, biết cách tổ chức cuộc sống riêng và công việc chung một cách hài hòa, làm gương cho cộng đồng. Tâm phải trong sáng, nhiệt tình, trách nhiệm, được dân tín nhiệm, quý mến.
Trước khi triển khai các công việc, hoạt động phải chuẩn bị kỹ các tài liệu, nội dung, đặc biệt ở các cuộc họp khu dân cư. Các khoản đóng góp, thu, chi của nhân dân phải minh bạch, rõ ràng, công khai và đạt hiệu quả. Có phương pháp, cách làm phù hợp để thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi người dân.
Trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn phải tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương, tranh thủ ý kiến, học hỏi các cán bộ chuyên môn để sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, giải đáp, trả lời các câu hỏi của dân, từ đó tạo được niềm tin của nhân dân.
Mỗi Trưởng khu dân cư phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu để trở thành người có uy tín cao nhất trong nhân dân. Có khả năng tạo ảnh hưởng, quy tụ, đoàn kết cộng đồng để định hướng, dẫn dắt xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, văn minh và ngày càng phát triển.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với Trưởng khu dân cư.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện thực tế ở địa phương và các quy định của Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chế độ đãi ngộ đối với Trưởng khu dân cư nói riêng, những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở nói chung theo hướng dẫn đảm bảo thu nhập và cuộc sống để họ yên tâm công tác.
Bảy là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tài liệu bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ cho đội ngũ Trưởng khu.
Việc bồi dưỡng kiến thức cho Trưởng khu ở tỉnh hiện nay chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ là do tài liệu còn nghèo nàn, chưa phù hợp với đặc thù của tỉnh. Vì vậy, hằng năm cần có kế hoạch nghiên cứu bổ sung tài liệu bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ cho Trưởng khu, đặc biệt chú ý phần nghiệp vụ và xử lý tình huống để các Trưởng khu có điều kiện thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
[1]Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ
• HỘI NGHỊ NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH “NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG HỌC VIÊN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ”