Phát biểu bế mạc Hội nghị tổng kết hoạt động Cụm thi đua các trường chính trị khu vực Trung du miền núi phía Bắc năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
Chủ nhật, 28.11.2021 02:44ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Hiệu trưởng
Kính thưa TS Cầm Thị Lai - Phó Vụ trưởng các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh! Kính thưa đồng chí Nguyễn Tường Thứ - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban thường trực ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ! Thưa toàn thể các đồng chí đại biểu, khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí Lãnh đạo và cán bộ trường chính trị trong Cụm Thi đua tham gia Hội nghị!
Toàn cảnh Hội nghị
Sau một buổi sáng làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, Hội nghị Tổng kết hoạt động Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực Trung du miền núi phía Bắc năm 2021đã thành công tốt đẹp. Hội nghị bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo tổng kết phong trào thi đua,công tác khen thưởng năm 2021, đánh giá những tồn tại, hạn chế, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022.
Hội nghị đã nghe ý kiến tham luận phát biểu của các trường chính trị trong Cụm thi đua, chúng ta được biết thêm những cách làm hay, mang tính sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong phong trào thi đua, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã có sức thuyết phục và là những tấm gương sáng để phát huy và nhân rộng. Đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu kép trước đây (vừa phòng chống dịch tốt vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) và thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ hiện nay quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tôi xin tổng hợp, đánh giá kết quả Hội nghị:
1. Hội nghị đã thống nhất cao về Báo cáo tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022; đánh giá cao nội dung báo cáo ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ các thông tin của các trường.
2. Năm 2021, các trường chính trị có thuận lợi, nhất là Ban Bí thư ban hành Quy định 11-QĐ/TW về Trường chính trị chuẩn đã mở ra cơ hội, điều kiện phát triển mới cho các trường chính trị trong tương lai. Song cũng có những khó khăn, thách thức chưa từng có (Báo cáo nêu 7 khó khăn), khó khăn lớn nhất đó là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn nhiều so với năm 2020, ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đời sống xã hội đối với cả nước và các trường chính trị.
3. Các trường đều chủ động xây dựng và thực hiện sớm chương trình công tác, các phong trào thi đua do Học viện phát động. Đã thực hiện được 309 lớp với 23.849 học viên (trong đó đào tạo 145 lớp với 9.876 học viên; bồi dưỡng 164 lớp với 13.973 học viên). Một số trường mở được nhiều lớp theo kế hoạch và vượt kế hoạch: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ (Đặc biệt là các lớp thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị mới: Bắc Giang 06 lớp, Bắc Cạn 06 lớp, Phú Thọ 02 lớp, Hoà Bình 01 lớp).
4. Các trường đều thích ứng an toàn, nỗ lực khẩn trương chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Đây là nét nổi bật, rất quyết tâm, sáng tạo của các trường. Hội nghị đã nêu nhiều ý kiến rất tốt về: Kinh nghiệm quản lý giảng dạy, học tập trực tuyến,chuẩn bị cho học trực tuyến, v.v...
5. Các trường có sự đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn: Thực hiện02đề tài cấp tỉnh, 46 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở; 6/7 trường đã hoàn thành tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng phát triển địa phương”. Duy trì tốt hoạt động Website, phát hành 13 số Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn; tổ chức Hội thảo “Vận dụng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy lý luận chính trị”.
6. Các trường rất nỗ lực tích cực, bám sát Quy định 09 và Quy định 11 tham mưu hiệu quả với Tỉnh uỷ xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn. Trường Chính trị tỉnh Yên Bái xây dựng Đề án và đã được Tỉnh uỷ phê duyệt; 04/07 trường đang xây dựng dự thảo Đề án trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, tự đánh giá theo từng mức độ, rà soát các tiêu chí còn thiếu để xây dựng lộ trình phấn đấu đạt chuẩn mức 1, giai đoạn 2021-2025.
7. Chất lượng, trình độ, năng lực giảng dạy lý luận chính trị của giảng viên các trường ngày càng nâng lên, xây dựng được thương hiệu, hình ảnh tốt đẹp của giảng viên trường chính trị tỉnh. 100% giảng viên đều tham gia thi giảng viên giỏi hằng năm; 14/14 giảng viên của 07 trường đạt danh danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc trong đó có 02 giảng viên đạt Xuất sắc toàn quốc năm 2021; tham gia thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức đều đạt giải cao (Giải Nhất, giải Nhì).
8. Các trường chia sẻ được nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như: Thực hiện Đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn (Hoà Bình), Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn (Yên Bái, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ), kinh nghiệm quản lý giảng dạy trực tuyến (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hoà Bình, Phú Thọ), mở lớp đạt và vượt kế hoạch (Thái Nguyên, Bắc Giang),…
9. Về tồn tại, hạn chế: Hội nghị nhất trí với các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, thống nhất có biện pháp khắc phục trong năm 2022.
10. Về kiến nghị, đề xuất
- Với đơn vị Cụm trưởng và các trường trong Cụm Thi đua:
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nên tăng cường các cuộc hội thảo, toạ đàm trực tuyến trong Cụm để nắm bắt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
+ Cho phép các trường chính trị được tham gia Hội thảo cấp Bộ, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ để có điều kiện nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
+ Sớm ban hành Quy chế quản lý đào tạo dành cho chương trình Trung cấp lý luận chính trị;
+ Có văn bản quy định chặt chẽ hơn, rõ hơn về quản lý đào tạo trực tuyến để nâng cao chất lượng loại hình đào tạo này.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ phát biểu bế mạc Hội nghị