XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA HỌC VIÊN VỚI HỌC VIÊN, HỌC VIÊN VỚI CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN NHÀ TRƯỜNG
Thứ sáu, 24.05.2019 08:14Nguyễn Tuấn Anh
Học viên lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên K68
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, một số người quan niệm đơn giản rằng: ứng xử với người mình giao tiếp thế nào cũng được, nghĩa là lợi ích của mình được bảo đảm và lợi ích của đối tác không bị thiệt thòi. Có lẽ chưa hiểu đầy đủ phép lịch sự, cách đối nhân xử thế trong các mối quan hệ trong giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Theo em được hiểu văn hóa trong giao tiếp là:
- Thể hiện sự hiểu biết về các phong tục, tập quán của đời sống xã hội nơi mình sinh sống. Người có cách ứng xử đúng đắn (được giáo dục, hướng dẫn) phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, hành động theo một số quy ước và yêu cầu đã được mọi người coi là thích hợp nhất. Chuẩn mực, quy ước đó chính là nội dung của cách ứng xử có văn hóa, được thể hiện qua phép lịch sự trong giao tiếp hàng ngày, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội.
- Cách ứng xử có văn hóa không chỉ là biểu hiện xã giao, bề ngoài mà chứa đựng những quan niệm đạo đức, văn hóa nhất định. Đó là phương thức cơ bản, nhằm tạo ra sự thoải mái trong quan hệ giao tiếp xã hội, giúp cho mỗi cá nhân gia nhập một cách hài hòa vào đời sống chung.
- Cách ứng xử có văn hóa là một nghệ thuật chung sống. Nó thể hiện việc cần phải làm nhằm thực hiện những quy định của nền văn minh nhân loại về mặt đạo đức.
- Cách ứng xử có văn hóa trong giao tiếp không phải là cố định, mà thay đổi theo thời đại, theo các nền văn hóa khác nhau.
Trong những năm qua, mặt trái của kinh tế thị trường tác động dẫn đến đạo đức xã hội bị xuống cấp, nhiều giá trị, chuẩn mực truyền thống bị xói mòn làm cho một bộ phận (nhất là giới trẻ) có phần bị mất phương hướng trong việc định hướng giá trị sống. Tiếc rằng, môi trường giáo dục hiện nay cũng ít nhiều bị tác động tiêu cực bởi mặt trái kinh tế thị trường, thương mại hóa. Do đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các nhà trường nói chung và các trường chính trị nói riêng là phải xây dựng được văn hóa ứng xử của học viên với học viên, học viên với cán bộ, giảng viên, nhân viên, đó là cơ sở, nền tảng để củng cố và hoàn thiện nhân cách của học viên, giúp họ không chỉ có “tài” mà có cả “đức” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng kỳ vọng.
Có thể hiểu, văn hoá ứng xử là hệ thống các giá trị, chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng. Đề cập đến văn hóa ứng xử của học viên với học viên, học viên với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường, thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của học viên trong giao tiếp ở môi trường giáo dục chính trị.
Đánh giá một cách khách quan, cho đến nay đa số học viên vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong ứng xử. Các giá trị, chuẩn mực như “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn được lưu truyền và phát huy. Cùng với đó, học viên theo học trong trường chính trị hiện nay thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ nhận thức nhưng đa phần học đều là những người năng động và sáng tạo, họ chủ động và tích cực trong học tập và các hoạt động phong trào. Tuy nhiên, hiện nay không ít học viên quan niệm rằng, giảng viên chỉ có nhiệm vụ là giảng dạy còn học viên đến giảng đường chỉ với mục đích là lấy bằng cấp, lấy chứng chỉ, công việc của họ quan trọng hơn việc học. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng một số học viên tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với giảng viên, cán bộ, nhân viên trong quá trình giao tiếp. Hiện tượng này biểu hiện đa dạng, phong phú trong cách ứng xử của học viên với học viên, học viên với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Từ những lý luận và thực tiễn nêu trên, mỗi học viên cần xây dựng cho mình cách ứng xử có văn hóa với chính mình, với các học viên khác, với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Ứng xử với chính mình: Thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống, tác phong chuẩn mực; đấu tranh với các tiêu cực trong học tập và công tác; tuân thủ nội quy, quy chế, quy định của trường. Có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm; chủ động, tích cực khai thác các nguồn tài liệu phục vụ cho việc học tập.
Ứng xử giữa học viên với học viên: Phải luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập; đoàn kết, không gây bè phái, chia rẽ nội bộ; xây dựng, duy trì sự kết nối giữa các học viên trong lớp, trong trường.
Ứng xử với giảng viên: Phải thể hiện thái độ tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp, ứng xử; cầu thị khi trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp; không dùng tiền hoặc quà tặng để mưu lợi cho cá nhân, tập thể.
Ứng xử với cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường: Luôn tôn trọng ý kiến và chấp hành quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường; luôn giữ thái độ khiêm tốn khi trao đổi ý kiến với cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường.
Ứng xử với nhân viên nhà trường: Luôn giữ thái độ lịch sự, tôn trọng với nhân viên nhà trường; phải có thái độ hợp tác trong giải quyết công việc.
Cách ứng xử có văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác và sự tự trọng bản thân. Qua đó nó giúp cá nhân hòa đồng vào xã hội tạo sự công bằng, thân thiện, niềm tin vào sự ổn định trật tự xã hội. Các quan hệ giao tiếp diễn ra trong sự trao đổi cân bằng và sự quan tâm lẫn nhau. Cách ứng xử có văn hóa trong giao tiếp không chỉ là một nghệ thuật chung sống, mà còn thể hiện các nguyên tắc đạo đức xã hội, một loại đạo đức đặc biệt về các quan hệ xã hội. Đó không phải là sự áp đặt từ bên ngoài mà là sự hòa nhập tự nguyện của chúng ta vào đời sống xã hội nói chung. Để có văn hóa trong ứng xử mỗi học viên hãy tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu, yêu quý và trân trọng bản thân, tôn trọng mọi người; tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, có thái độ đúng mực, lời nói và hành vi có văn hóa. Bên cạnh đó, mỗi học viên cũng phải biết góp ý, phê bình, lên án với những thái độ, lời nói, hành vi lệch chuẩn của các học viên khác, để môi trường giáo dục và đào tạo (nhất là trong môi trường nhà trường chính trị) ngày càng lành mạnh hơn.
• HỘI THI KHÉO TAY HAY LÀM VỚI CHỦ ĐỀ ''LÀM BÁNH TỰ CHỌN'' KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ VÀ KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
• GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NĂM 2019
• TƯ DUY MỚI VÀ VẤN ĐỀ LỚN TỪ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
• CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THAO KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG (1957 - 2018) VÀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2018
• KẾT QUẢ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2018 - 2023
• ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH PHÚ THỌ LẦN THỨ V, NHIỆM KỲ 2018 - 2023 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NĂM 2018
• CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2017, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2018 VÀ PHÁT ĐỘNG, KÝ GIAO ƯỚC THI ĐUA
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC GẶP MẶT CHỊ EM NỮ CÔNG NHÂN DỊP KỶ NIỆM 87 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM.