TRUYỀN THỐNG NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1-5
Thứ sáu, 24.04.2020 01:13Nguyễn Thị Hoan
P.TC, HC, TT, TL (sưu tầm)
Cách đây 134 năm, vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hơn 40 nghìn người lao động đã tiến hành bãi công không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với khẩu hiệu “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”. Cùng thời gian đó, tại các trung tâm công nghiệp lớn ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 125 nghìn công nhân đã đấu tranh giành quyền làm việc 8 giờ một ngày.
Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: "Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nhân công nghiệp đến như vậy".
Ngày 1/5/1886 đã ghi dấu ấn lịch sử đấu tranh đẫm máu nhưng vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; là ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động.
Tại Đại hội thành lập Quốc tế II họp ngày 14/7/1889, đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 chủ yếu là tổ chức bí mật nhưng đến năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội. Khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ và giảm sưu thuế đã trở thành tiếng nói chung của những người lao động cả nước.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22-SL công bố ngày 1/5 là một trong những ngày quốc tế lớn của người lao động cả nước và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định người lao động được nghỉ làm có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là “Tết lao động”, là ngày lễ chính thức ở nước ta hàng năm. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội với 20 vạn nhân dân lao động tham dự. Tại lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Đồng thời, đó cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp. Đó chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”; “Bốn phương vô sản đều là anh em”; “Rằng đây bốn biển một nhà, Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập, tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, “giúp bạn là tự giúp mình”. Vì thế, Người luôn động viên nhân dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình, vừa thực hiện sự giúp đỡ vô tư chí tình, chí nghĩa đối với các dân tộc anh em. Đây chính là bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Sự đoàn kết dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; tự nguyện, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và kết hợp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.
Ghi sâu lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; đội ngũ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm đẩy mạnh công tác vận động công nhân. Ngày 24/2/2012, Ban Bí thư Đảng đã có kết luận tại Thông báo số 77/TB về việc lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng công nhân” với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và các cấp chính quyền trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Từ đây việc tổ chức các hoạt động trong Tháng Công nhân luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở nước ta hàng năm, không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động, củng cố và phát triển đoàn kết quốc tế, mà còn là thời điểm ôn lại lịch sử và truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam; đồng thời không ngừng củng cố khối liên minh giữa công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của các Đại hội Đảng toàn quốc.
Trong tư thế người làm chủ đất nước độc lập, tự do và dân chủ hôm nay, giai cấp công nhân Việt Nam sát cánh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng ra sức phấn đấu, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TỔ CHỨC GẶP MẶT NỮ CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN NHÂN DỊP KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ 1980 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
• TRƯỜNG CHÍNH CHỊ TỈNH PHÚ THỌ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NĂM 2020
• KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN NĂM 2019, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2020 CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ
• CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG CÁC NGÀY LỄ TRONG THÁNG 11 NĂM 2019
• NỮ CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN THAM DỰ LỚP HỌC NẤU ĂN CÙNG AJINOMOTO
• KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN”, NIỀM VUI CỦA NGƯỜI CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN
• ĐOÀN ĐẠI BIỂU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THAM DỰ HỘI NGHỊ GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG BIỂU DƯƠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN VÀ ĐOÀN VIÊN TIÊU BIỂU NĂM 2019
• BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG DỰ HỘI NGHỊ TRUYỀN THÔNG “PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH” VÀ “VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH”
• XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA HỌC VIÊN VỚI HỌC VIÊN, HỌC VIÊN VỚI CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN NHÀ TRƯỜNG