CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ
Thứ hai, 12.06.2017 02:51ThS. Nguyễn Thị Hoa Mỹ
Chi Hội trưởng Chi hội Luật gia
Ở nước ta, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
Trong những năm qua, báo chí đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội;tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Qua thực tiễn 17 năm thi hành Luật Báo chí sửa đổi năm 1999, ngày 05.4.2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trong đó quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí, đó là:
- Hành vi đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý.
- Hành vi đăng, phát thông tin có nội dung: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
- Hành vi đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Hành vi xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.
- Hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
- Hành vi thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
- Hành vi kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
- Hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
- Hành vi thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
- Hành vi in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.
- Hành vi cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
- Hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
- Hành vi đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, thông tin quy định tại các khoản từ 1 - 10 Điều 9 Luật Báo chí.
Như vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định chi tiết, rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí. So với Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999), ngoài việc quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, Luật còn bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...góp phần tạohành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về báo chí, đóng góp ngày càng xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
• NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ NĂM 2012
• NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN NĂM 2016
• TÌM HIỂU NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÍ VÀ LỆ PHÍ NĂM 2015
• CHI HỘI LUẬT GIA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ NĂM 2016
• NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BÁO CHÍ NĂM 2016
• CHI HỘI LUẬT GIA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2016
• NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015
• NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TRẺ EM NĂM 2016
• NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ NĂM 2015